Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/12, bà Nguyễn Thị Liên Hương khẳng định việc đăng ký khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến (chuyển viện) thời gian qua góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Quy định phân tuyến chuyên môn, chuyển tuyến và giấy chuyển tuyến bảo đảm cân đối và bền vững hệ thống khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Y tế thừa nhận quá trình thực hiện đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập, như quy định đăng ký khám chữa bệnh ban đầu nặng về hành chính. Thủ tục chuyển tuyến, cấp giấy chuyển tuyến còn nhiều bất cập.
Từ năm 2016, toàn quốc đã thông tuyến khám chữa bệnh giữa trạm y tế xã, phòng khám đa khoa và tuyến huyện; từ năm 2021 thông tuyển tỉnh trên toàn quốc với khám chữa bệnh nội trú. Tuy nhiên, việc này gây nhiều vướng mắc liên quan đến chuyển tuyến, vượt tuyến, quá tải ở bệnh viện tuyến trên.
Bệnh viện tuyến cuối có chức năng tập trung điều trị bệnh nặng, triển khai kỹ thuật chuyên sâu, nghiên cứu khoa học, đào tạo nên không thể tập trung khám và điều trị bệnh thông thường, chăm sóc ban đầu. Việc quá tải còn có nguy cơ gây sai sót, tai biến, giảm chất lượng và hiệu quả điều trị, ảnh hưởng đến người bệnh.
Để khắc phục các bất cập nêu trên, giải pháp của Bộ Y tế thời gian tới là áp dụng hình thức giấy chuyển viện điện tử để thuận tiện cho người bệnh, lập hồ sơ quản lý sức khỏe người dân, mở rộng mô hình bác sĩ gia đình.
Bộ cũng điều chỉnh danh mục cấp phát thuốc bảo hiểm y tế cho tuyến xã với một số bệnh mãn tính và các bệnh này có thể được cấp giấy chuyển viện thời hạn một năm; đồng thời điều chỉnh một số quy định về chuyển viện. Cán bộ sẽ được tăng cường luân phiên về các tuyến cùng với chuyển giao kỹ thuật để bệnh viện tuyến dưới nâng cao chuyên môn.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương trả lời tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/12. Ảnh: Nhật Bắc
Theo quy định hiện hành, người tham gia bảo hiểm y tế có quyền đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại một cơ sở tuyến xã, huyện nhất định. Trường hợp cần chuyển viện điều trị thì phải có giấy chuyển tuyến (chuyển viện), bệnh nhân mới được thanh toán toàn phần bảo hiểm y tế. Nếu không có giấy chuyển viện, họ phải tự chi trả một phần viện phí.
Thảo luận tại Quốc hội ngày 20/11, GS Nguyễn Anh Trí đề nghị sớm bãi bỏ giấy chuyển viện và đẩy mạnh tiến trình thông tuyến bệnh viện khi 93% dân số Việt Nam đã tham gia bảo hiểm y tế. Nguyên nhân là nhiều cử tri phản ánh với ông khi đi khám bệnh phải xin giấy chuyển viện rất phiền toái, mất thời gian, mệt mỏi. Giấy chuyển viện trở thành barie (hàng rào) với bệnh nhân trong khi công nghệ thông tin phát triển, liên thông kết quả xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh đã trở nên dễ dàng.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định giấy chuyển viện nhằm đảm bảo hệ thống y tế bền vững, tránh quá tải một tuyến. Từ năm 2014, người bệnh phải chuyển tuyến theo tuần tự từ dưới lên trên. Tuy nhiên đến năm 2016, các bệnh viện tuyến huyện đã được thông tuyến và năm 2021 thông tuyến bảo hiểm y tế nội trú bệnh viện tuyến tỉnh toàn quốc (người có thẻ Bảo hiểm y tế điều trị nội trú trái tuyến ở các bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước được hưởng quyền lợi như đúng tuyến).