Chiều 5/10, tại tọa đàm Nghị quyết 128 - Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương bày tỏ lo lắng khi tình hình Covid-19 dự báo còn khó lường. Những biến thể mới của virus có thể làm đại dịch phức tạp và gia tăng trở lại.
Trong nước, nguy cơ dịch chồng dịch hiện hữu, bởi số ca nhập viện và chuyển nặng gia tăng, trong khi hiệu quả bảo vệ của vaccine giảm theo thời gian. Tỷ lệ tiêm vaccine mũi ba cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và tiêm mũi hai cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi thấp.
Hôm nay, toàn quốc ghi nhận gần 1.200 ca nhiễm Covid-19 mới, tăng so với hôm qua; 75 ca đang thở oxy. Một tuần qua, trung bình mỗi ngày có một ca tử vong do Covid-19.
Đánh giá Việt Nam đã mở cửa nên các dịch bệnh mới nổi như đậu mùa khỉ, viêm gan xâm nhập là "không thể tránh khỏi", bà Hương cho rằng Chính phủ cần quyết liệt triển khai chống Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác. Vaccine vẫn là biện pháp hữu hiệu nên cần đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng. Các địa phương không chủ quan; xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống dịch bệnh.
Việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi sẽ được nghiên cứu, triển khai ngay khi có đủ cơ sở khoa học.
Ngoài ra, để tránh tình trạng dịch chồng dịch, bà Hương đề nghị sửa đổi cơ chế, chính sách về chống dịch như mua sắm, đấu thầu; huy động nguồn lực trong điều kiện khẩn cấp, chưa có tiền lệ nhằm phù hợp với thực tiễn. Hệ thống y tế cần nâng cao năng lực, nhất là y tế dự phòng, cơ sở. Việt Nam cần thúc đẩy phát triển công nghiệp dược, sản xuất vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc điều trị trong nước để chủ động phòng dịch.
Để tạo điều kiện cho nhân viên y tế, Thứ trưởng Hương nói cần điều chỉnh lương cơ bản, tăng phụ cấp nghề cho họ. Đặc biệt, các cơ quan cần tăng cường năng lực, khả năng cung cấp dịch vụ, phạm vi chi trả tại trạm y tế xã để tham gia chống dịch tốt nhất. "Chúng ta cũng cần có chính sách đặc thù, đãi ngộ lực lượng y tế, tuyến đầu có nhiều đóng góp. Lực lượng y tế hy sinh khi làm nhiệm vụ cần được công nhận liệt sĩ", Thứ trưởng Liên Hương nói.
Theo bà, cơ chế để y tế tư nhân tham gia chống Covid-19 cần thông thoáng, bình đẳng. Qua các đợt dịch, nhất là đợt thứ tư cho thấy hệ thống y tế tư nhân đóng vai trò quan trọng.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cũng đồng tình định hướng điều hành của Chính phủ thời gian tới vẫn cần tập trung chống dịch, nhất là thúc đẩy tiêm vaccine. "Chính sách với ngành y tế phải nghiên cứu, tính toán, giải quyết vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế. Các chiến sĩ ở tuyến đầu cần có chế độ đối xử công bằng, bởi hồi chống dịch, họ không khác gì ra mặt trận", ông Dũng nói và bày tỏ chia sẻ với quan điểm của Thứ trưởng Liên Hương.
Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng cảnh báo, đại dịch Covid-19 chưa kết thúc. Vì vậy, mỗi cá nhân cần áp dụng biện pháp theo khuyến cáo chuyên môn để bảo vệ bản thân và người xung quanh. "Tôi từng bị Covid-19 nhưng triệu chứng nhẹ. Nếu ai đó bị nặng, kéo dài có thể nguy hiểm đến tính mạng. Chúng ta nên cố gắng để tránh nhiễm bệnh", bà nói.
Bà khuyến khích người dân tuân thủ nguyên tắc 2K + plus, đeo khẩu trang nơi đông người, không gian kín; rửa tay thường xuyên; tiêm vaccine. Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục theo dõi diễn biến dịch bệnh, để sẵn sàng năng lực hệ thống y tế trong trường hợp có thể bùng phát mức độ cao. Ngoài ra, Việt Nam cần linh hoạt thích ứng về y tế công cộng để bảo vệ sức khỏe cho nhóm dân số dễ bị tổn thương.
Đầu tháng 10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", trong đó phân loại bốn cấp độ dịch bệnh. Sau đó, Bộ Y tế hướng dẫn các tiêu chí, phương pháp đánh giá và xác định cấp độ dịch.