-
18h50
"Hoan nghênh nhà đầu tư quan tâm tới dự án sân bay Long Thành"
Báo chí nêu câu hỏi: "Quan điểm của Chính phủ về việc Geleximco muốn cùng đối tác Trung Quốc xây sân bay Long Thành?".
Ông Nguyễn Ngọc Đông – Thứ trưởng Giao thông vận tải thông tin, hiện Bộ đang triển khai các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ liên quan tới việc đầu tư, xây dựng dự án cảng hàng không quốc tế này. Tỉnh Đồng Nai đã lập xong nghiên cứu khả thi đền bù giải phóng mặt bằng; Bộ đang triển khai lựa chọn tư vấn làm nghiên cứu khả thi dự án, dự kiến triển khai trong 2018 – 2019 và sẽ trình Quốc hội theo đúng quy định Luật Xây dựng, Luật Đầu tư.
“Quan điểm của Bộ hoan nghênh các nhà đầu tư quan tâm tới dự án. Nghiên cứu tiền khả thi dự án cũng nêu một số hạng mục Nhà nước dùng vốn đầu tư công hoặc huy động từ thành phần kinh tế khác. Hiện trong quá trình tuyển chọn tư vấn nên chưa hoàn thành nghiên cứu khả thi, tới khi cấp có thẩm quyền đồng ý thì chúng tôi mới triển khai lựa chọn nhà đầu tư theo hướng công khai, minh bạch”, ông Đông nhấn mạnh.
Theo ông, việc đánh giá và lựa chọn nhà đầu tư sẽ được thực hiện thông qua đấu thầu, kiểm soát tiến độ, giá thành...
Trước đó, ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) đã đề xuất với Thủ tướng đồng ý về mặt nguyên tắc cho dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hình thức đối tác công tư.
Vị này cho biết, Geleximco có mối quan hệ đối tác chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc. "Với năng lực, kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh trong điều kiện khó khăn về việc thu xếp vốn trên thị trường tài chính hiện nay của các nhà đầu tư khác, chúng tôi đề xuất với Thủ tướng đồng ý về mặt nguyên tắc cho Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hình thức đối tác công tư”, ông Vũ Văn Tiền kiến nghị.
-
18h45
Thứ trưởng Nội vụ: Sẽ xử lý người làm mất hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh
Ông Nguyễn Duy Thăng - Thứ trưởng Nội vụ đã trả lời câu hỏi xung quanh việc Bộ này thất lạc hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (năm 2015).
Theo ông Thăng, việc để mất hồ sơ sẽ được xử lý theo quy chế làm việc của Bộ. “Hiện chưa kết luận cụ thể cá nhân nào, nên cũng không thể nói ai làm. Khi có kết luận của cơ quan điều tra, ai làm mất hồ sơ, ai phát ngôn vi phạm bí mật Nhà nước thì sẽ được xử lý theo quy định pháp luật”, ông Thăng nhấn mạnh.
Trước đó vào đầu tháng tám, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho hay thời điểm xảy ra sự việc nêu trên, cơ quan này nhận được hai bộ hồ sơ có dấu đỏ đề nghị phê chuẩn chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đối với ông Trịnh Xuân Thanh. “Tuy nhiên hiện Bộ chỉ còn giữ một bản gốc, còn một bản có đóng dấu công văn đến lưu văn thư thì thất lạc", ông Thừa nói.
Tháng 5/2015, ông Trịnh Xuân Thanh từ Vụ trưởng, Ban đổi mới doanh nghiệp Bộ Công Thương được chuyển công tác, bầu bổ sung làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Ông này đã trải qua nhiều vị trí lãnh đạo ở Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), ngành công thương, UBND tỉnh Hậu Giang trước khi bị truy nã... Ngày 31/7, cơ quan chức năng đưa tin ông Thanh "đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú".
-
18h45
Sắp công bố kết luận thanh tra vụ "biệt phủ" ở Yên Bái
Trả lời câu hỏi về việc thanh tra tài sản, đất đai của gia đình ông Phạm Sỹ Quý (Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Yên Bái), Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay Thanh tra Chính phủ đang tiến hành, đến nay đã quá thời hạn và cơ quan chức năng sẽ "hoàn thiện văn bản để công bố".
Hồi đầu tháng 6, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ dư luận về khối tài sản lớn của hộ gia đình bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Quý), UBND tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo thành lập đoàn công tác liên ngành thanh tra vụ việc theo thẩm quyền. Tuy nhiên, trước những băn khoăn về tính minh bạch, khách quan của cuộc thanh tra vì ông Quý là em trai của Bí thư Tỉnh ủy đương nhiệm, UBND tỉnh Yên Bái đã chủ động đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc.
Đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ do ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng chống tham nhũng dẫn đầu đã triển khai công việc vào ngày 27/6, và kết thúc thanh tra sau 15 ngày. Tuy nhiên, đến nay kết quả thanh tra chưa được công bố.
-
18h15
Tăng thuế VAT không ảnh hưởng tới người nghèo
Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai đã dành khoảng 20 phút, trình bày những điểm mới trong thay đổi chính sách thuế.
Theo bà, vừa qua Bộ Tài chính đã xin ý kiến rộng rãi về dự án Luật sửa đổi một số điều Luật thuế sửa năm luật (thuế tài nguyên, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt...). Đây là dự án luật quan trọng, tác động rộng nên Bộ đã báo cáo lãnh đạo Chính phủ.
Trước ý kiến cho rằng, thuế VAT sẽ khiến người nghèo chịu gánh nặng hơn người giàu, Thứ trưởng Mai khẳng định, theo đánh giá của Bộ Tài chính tác động lên người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp khi thay đổi thuế suất VAT không nhiều. Chưa kể, Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội với những đối tượng này. Về tác động tới lạm phát, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Thế giới đánh giá “là hạn chế”.
Bà Mai thông tin, thuế VAT có 25 nhóm hàng hoá dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế, 15 nhóm chịu thuế suất 5%. Với nhóm thu nhập thấp nhất dành 59,5% thu nhập chi mua lương thực, thực phẩm, giáo dục... những mặt hàng thiết yếu này không chịu thuế; chỉ mặt hàng lương thực, thực phẩm ở khâu thương mại bán ra chịu thuế suất thấp 5% và dự kiến tăng lên 6%.
Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, dự án luật có nhiều nội dung nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính. Đơn cử, trong sửa đổi thuế giá trị gia tăng, bổ sung quy định hàng hoá chịu thuế 5% nếu chưa khấu trừ sau 12 tháng thì được hoàn thuế; bỏ quy định xác định 51%...
Trước thông tin cho rằng, việc điều chỉnh thuế suất thuế giá trị gia tăng “không chỉ điều chỉnh tăng thuế, còn phải xét ở khía cạnh chi tiêu ngân sách, làm sao cho tiết kiệm hiệu quả...”, Thứ trưởng Tài chính khẳng định, Chính phủ đã, đang thực hiện nhiều giải pháp để cơ cấu lại thu, chi ngân sách...
-
17h45
Thanh tra việc cấp phép nhập khẩu, cấp đăng ký thuốc của Bộ Y tế
Cũng tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, mặc dù vụ việc liên quan đến VN Pharma đang được các cơ quan bảo vệ pháp luật thụ lý giải quyết nhưng dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và nhiều ý kiến rất bức xúc ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với cả hệ thống y tế. "Vì vậy, cần được chỉ đạo xử lý nghiêm minh mọi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, làm rõ mọi góc khuất", ông nói.
Phó thủ tướng đã có ý kiến cần thanh tra việc cấp phép nhập khẩu, cấp đăng ký thuốc của Bộ Y tế; đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ các vấn đề dư luận quan tâm với tinh thần là "phải hết sức nghiêm minh và công khai”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc cấp phép của Bộ Y tế, "phải rất nghiêm túc, nhất là khi liên quan tới sức khỏe của nhân dân".
-
17h40
Doanh nghiệp phải đóng 70 loại chi phí vận tải, gồm phí BOT
Tại cuộc họp báo, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho hay, Thủ tướng và Chính phủ nhìn nhận, tình hình kinh tế - xã hội tháng tám có nhiều chuyển biến tích cực. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát. Tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng này ước đạt 1,23 triệu lượt, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm 2016, đây là tháng đón lượng khách quốc tế lớn nhất từ trước đến nay.
Thời gian qua các cấp, các ngành đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, tuy nhiên, theo Thủ tướng, “giấy phép con, giấy phép cháu vẫn còn nhiều”. “Nhiều doanh nghiệp phản ánh chu kỳ sản phẩm sản xuất ra đã vất vả rồi nhưng thủ tục để đưa vào tiêu thụ, xuất khẩu còn phức tạp hơn. Có ý kiến nói rằng là nuôi gà chỉ mất 40 ngày nhưng thủ tục để tiêu thụ gà, xuất khẩu gà thì còn phức tạp, dài ngày hơn nuôi gà”, Thủ tướng nói và yêu cầu tập trung tháo gỡ vấn đề này.
Ngoài ra, theo thông tin tại phiên họp, gánh nặng thuế, phí đối với doanh nghiệp còn lớn, một số phí như phí BOT còn cao, đặt trạm thu phí còn bất hợp lý, gây bức xúc. Tổng phí vận tải doanh nghiệp phải đóng lên tới 70 loại. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải tập trung giảm chi phí cho doanh nghiệp; lưu ý các quy định hiện hành về phí BOT để có giải pháp, tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách và cơ chế, chính sách đặc thù để bảo đảm tiến độ đầu tư xây dựng các dự án điện cấp bách trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.