Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 30/10, báo chí đặt vấn đề "có hợp pháp không khi ông Lê Vinh Danh, cựu Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng được trả lương hơn 500 triệu đồng, chênh lệch quá lớn so với giảng viên và người lao động ở trường này?".
Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và trường đại học nói riêng thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định tại ba nghị định. Đó là tự chủ về tài chính thực hiện theo Nghị định 16/2015; tự chủ về tổ chức bộ máy thực hiện theo Nghị định 120 ra tháng 10/2020; tự chủ nhân sự thực hiện theo Nghị định 106 mới ký năm 2020.
Theo ông Thăng, với trường Đại học Tôn Đức Thắng, nếu tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư thì Nghị định 16 quy định rất chi tiết, nguồn thu từ ngân sách, hoạt động sự nghiệp như thế nào. Theo tinh thần Nghị quyết 27 Hội nghị trung ương 7 khóa 12 về định hướng cải cách tiền lương, các đơn vị sự nghiệp tự chủ chi thường xuyên, chi đầu tư áp dụng cơ chế quản trị, trả lương như doanh nghiệp.
"Mức cụ thể hợp lý hay không, phù hợp với Nghị định 16 và hướng dẫn của Bộ Tài chính hay không, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ xem xét", ông Thăng nói.
Trong sáng nay, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, ba tháng 6, 7, 8, lương, thu nhập của ông Lê Vinh Danh, cựu Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng là 556 triệu đồng (trước thuế), trong khi mức bình quân của viên chức giảng dạy, viên chức hành chính, lao động giản đơn lần lượt là 23,7; 22,5 và 13,4 triệu đồng. Theo ông Hiểu, mức lương này được công bố tại buổi họp báo ngày 23/10, do lãnh đạo trường cung cấp.
Trao đổi với báo chí, cựu Hiệu trưởng Lê Vinh Danh cho biết, trung bình mỗi tháng nhận 407 triệu đồng. Sau khi đóng thuế và các khoản khác theo quy định, ông thực lãnh 286 triệu đồng. Hồi đầu năm dịch bệnh bùng phát, Đại học Tôn Đức Thắng gặp khó khăn tài chính. Nhiều cán bộ tự nguyện nhận lương ít hơn trong tháng 3 và 4, phần còn lại để trường trả chậm. Ông khi đó chỉ nhận 40% thu nhập và được trả bổ sung 60% còn lại vào các tháng 6, 7 và 8. Đây là nguyên nhân khiến con số tổng thu nhập ông nhận (trước thuế) lên tới 556 triệu đồng.
Ông Danh cho rằng thu nhập mà Đại học Tôn Đức Thắng trả cho giảng viên, viên chức không theo chức danh mà theo vị trí công việc, số đầu việc phụ trách, khối lượng công việc và hiệu quả sản phẩm đầu ra. Chẳng hạn cùng là giảng viên, có người thu nhập gấp 4-5 lần người khác, cùng là nghiên cứu viên có thể chênh nhau 10 lần. Ông làm việc nhiều nhất ở trường, mỗi ngày 10-13 tiếng và gần như 360 ngày mỗi năm. "Tất cả mọi việc ở trường tôi phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng, mà sự chịu trách nhiệm này là vô giá", ông Danh nêu quan điểm.
Đại học Tôn Đức Thắng, tiền thân là trường Đại học công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng, do Liên đoàn Lao động TP HCM sáng lập và quản lý, sau đó chuyển sang mô hình bán công, rồi công lập và chuyển về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Hoàng Thùy - Viết Tuân