"Khi niềm tin vào khuôn khổ đa phương vơi dần, chúng ta càng thêm lo ngại những hành động đơn phương trở nên phổ biến, bất chấp lợi ích của nước khác lẫn cộng đồng quốc tế. Điều đó sẽ thu hẹp không gian cho đối thoại, ngoại giao và hợp tác, đẩy quốc phòng và răn đe lên hàng đầu trong các ưu tiên chiến lược của nhiều quốc gia", Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt ngày 23/10 nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 16 tại Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Gọi đây là "cuộc chiến nhận thức", Thứ trưởng Việt giải thích rằng đó là cuộc đấu tranh để "kể" những câu chuyện làm nền tảng nhận thức cho các tranh chấp và xung đột ở nhiều nơi trên thế giới.
"'Cuộc chiến nhận thức' này không phải là điều mới mẻ ở Biển Đông, khu vực có tầm quan trọng chiến lược về địa chính trị tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", ông Việt nói. "Các bên cạnh tranh nhau đưa ra những cách diễn giải trái ngược nhau về hầu hết diễn biến và sự việc ở vùng biển này".
Theo ông, điều đó gia tăng cạnh tranh và đe dọa làm mất ổn định thêm các điểm nóng vốn đã mong manh, "đôi khi đẩy nó đến bờ vực bùng nổ".
Bởi vậy, các nước cần những luật lệ, nguyên tắc được thiết lập rõ ràng và những chuẩn mực đúng đắn làm mỏ neo ổn định chính sách. Việc tuân thủ những luật lệ và chuẩn mực đã được quốc tế công nhận rộng rãi chính là nền móng cho hòa bình và ổn định toàn cầu.
Thứ trưởng Việt khẳng định những luật lệ và chuẩn mực liên quan mật thiết nhất với vấn đề Biển Đông chính là những điều đã được thể hiện trong Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Những văn bản này giúp tạo ra khuôn khổ chung để các nước giải quyết bất đồng trên tinh thần hòa bình và hợp tác, khi thế giới ngày càng phân cực và dịch chuyển sang trật tự đa cực với các hệ lụy khó lường nếu không có sự điều chỉnh phù hợp, ông nói.
Sau 30 năm, UNCLOS vẫn là khuôn khổ pháp lý toàn diện nhất để điều chỉnh các hoạt động trên biển và đại dương, là cơ sở cho hành động và hợp tác trên biển ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu.
"Trong tầm nhìn của Việt Nam về kỷ nguyên mới, Biển Đông sẽ là cầu nối cho hai khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, là trung tâm năng động cho tăng trưởng và thịnh vượng của cả thế giới. Biển Đông cần trở thành mắt xích then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, là giao điểm văn hóa giữa những nền văn minh và cầu nối giữa những trung tâm ảnh hưởng", ông Việt cho biết.
Theo ông, Liên Hợp Quốc và các tổ chức khu vực cần giữ vai trò tiên phong dẫn dắt hợp tác và điều phối các giải pháp toàn cầu. ASEAN nên được giao phó vai trò trung gian và kết nối, vì các nguyên tắc cởi mở, bao trùm, minh bạch và tôn trọng luật pháp quốc tế của khối sẽ gắn kết tất cả các bên, không khiến bất kỳ nước nào cảm thấy bị đe dọa.
Hội thảo Quốc tế Biển Đông lần thứ 16, do Học viện Ngoại giao và các cơ quan đối tác phối hợp tổ chức, diễn ra trong hai ngày 23-24/10, với gần 50 diễn giả là các chuyên gia uy tín từ 23 quốc gia và các tổ chức quốc tế.
Đại sứ, Tiến sĩ Phạm Lan Dung, quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, kỳ vọng hội thảo sẽ truyền tải thông điệp về hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung ở Biển Đông, cũng như thể hiện quyết tâm tìm ra những giải pháp bền vững cho khu vực.
Bà Dung nhận định với các vấn đề tranh chấp lãnh thổ và khác biệt về yêu sách biển, cùng với tình hình quân sự hóa tại khu vực, Biển Đông vẫn là điểm nóng thảo luận quốc tế. Bà nhấn mạnh các bên liên quan phải kiên định trong nỗ lực theo đuổi hòa bình và ngoại giao, bởi bất cứ bước tiến nào cũng đòi hỏi thời gian, kiên nhẫn và tâm thế lạc quan.
Lê Tân - Thanh Danh