Ngày 2/3, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đặc trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế Rose Gottemoeller có chuyến thăm và làm việc tại Quảng Trị.
Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch Quảng Trị bày tỏ sự vui mừng khi đón đoàn vào đúng dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ.
Ông Chính cho hay, sau năm 1975, Quảng Trị bắt tay ngay vào việc rà phá bom mìn. Công việc lúc đó do quân đội và thanh niên đảm nhiệm, diễn ra hết sức thủ công, tháo gỡ bằng tay và mắt thường. “Trong cuộc đối đầu với bom mìn thời hậu chiến, có nhiều người bị thương và hy sinh”, ông Chính thông tin.
Giai đoạn 1975-2000, có khoảng 5.000 vụ tai nạn bom mìn và 2.600 nạn nhân, chủ yếu là trẻ em. Thời kỳ sau đó, khi có các tổ chức phi chính phủ nước ngoài giúp hỗ trợ rà phá bom mìn và khắc phục hậu quả chiến tranh, tai nạn do bom mìn giảm đáng kể, chỉ có 4-5 vụ việc/năm trong những năm gần đây.
Những tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực ra phá bom mìn đầu tiên đặt chân đến Quảng Trị đến từ đất nước Mỹ. “Hỗ trợ giải quyết bom mìn là một đóng góp rất quan trọng, giúp phát triển kinh tế địa phương, đồng thời mang ý nghĩa nhân đạo khi làm giảm số nạn nhân”, ông Chính đánh giá.
Bà Thứ trưởng Rose Gottemoeller cho hay trong 20 năm qua, các tổ chức phi chính phủ của Mỹ hỗ trợ 80 triệu USD để giải quyết hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam. "Những dự án này đưa lại cơ hội cho người dân có đất sản xuất, trẻ em đến trường an toàn hơn, kinh tế địa phương phát triển", bà Rose Gottemoeller phát biểu.
“Tôi nhìn thấy sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức phi chính phủ, chính quyền và lực lượng quân sự địa phương trong việc rà phá bom mìn. Những nỗ lực này tạo ra mô hình giải quyết bom mìn thành công để áp dụng cho nhiều nơi khác”, bà Rose Gottemoeller nói.
Trong chiến tranh, hàng triệu tấn bom đạn đã được sử dụng ở Việt Nam và ít nhất 10% trong số này không nổ. Sau ngày thống nhất đất nước, quân đội và các tổ chức phi chính phủ đến từ nhiều nước như Mỹ, Anh, Ireland, Nhật, Đức, Na Uy… nỗ lực giải quyết bom mìn.
Các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi, gần 100% số xã phường bị ô nhiễm bom mìn, trong đó tỷ lệ ô nhiễm ở Quảng Trị lớn nhất với 83,9% diện tích và Nghệ An ít nhất với 17%. Tại Quảng Trị, các tổ chức phi chính phủ có mặt ở tất cả 9 huyện thị, thành phố và đã làm sạch được 52 km2 đất trong gần 20 năm qua.
Sau buổi làm việc với chính quyền tỉnh Quảng Trị, bà Rose Gottemoeller dành hai tiếng đồng hồ giữa trưa để đến một quả đồi ở miền tây huyện Triệu Phong, trực tiếp chứng kiến việc rà phá và hủy nổ bom mìn của dự án MAG.
Tổ chức này đã hoàn thành rà phá 154.000 m2 trên tổng diện tích gần 180.000 m2 để trả lại đất sạch, an toàn cho người dân trồng cây thảo dược, phát triển kinh tế.
Tại đây, bà Rose Gottemoeller khảo sát thực tế, chứng kiến nỗ lực rà phá của các nhân viên MAG. Tiếp đó, chính tay bà Thứ trưởng kích hủy số lượng bom đạn được tổ chức này tìm thấy.
Chiều cùng ngày, bà Thứ trưởng đến thăm, tìm hiểu và trò chuyện với những nạn nhân bom mìn tại Trung tâm giáo dục về mìn Danaan Parry thuộc tổ chức PeaceTrees Việt Nam.
Trao đổi với báo chí sau khi kết thúc chuyến làm việc, bà Rose Gottemoeller cho hay: “Đây là một ngày vô cùng đặc biệt, tôi đi thăm hiện trường rà phá bom mìn và bản thân ấn nút hủy những vũ khí nguy hiểm. Tôi có cơ hội gặp gỡ những nạn nhân bom mìn, nói chuyện và hiểu được sự mất mát, nghị lực xây dựng lại cuộc sống của họ”.
Bà Thứ trưởng Ngoại giao thông tin, ngay trong năm 2015, chính phủ Mỹ tài trợ Việt Nam 10 triệu USD, trong đó Quảng Trị nhận 8 triệu USD, để thực hiện một dự án mới, đầy tính sáng tạo trong nỗ lực đẩy nhanh rà phá bom mìn và khắc phục hậu quả chiến tranh. Dự án này có sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức phi chính phủ, chính quyền và quân đội địa phương, nhằm thiết lập cơ sở dữ liệu trung tâm để đưa ra những địa điểm cần ưu tiên rà phá.
Hoàng Táo