"Đối với Việt Nam, quyết định của Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm sẽ giúp đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, trang thiết bị quân sự. Tôi tin diễn biến mới này sẽ đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới", Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc chiều nay trao đổi với các phóng viên sau khi Tổng thống Mỹ kết thúc chuyến thăm Việt Nam.
Theo ông Ngọc, mục đích của Việt Nam trong tăng cường năng lực quốc phòng là để bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Phòng vệ là quyền chính đáng của các quốc gia được luật pháp quốc tế quy định rõ.
"Tôi muốn nhấn mạnh chính sách nhất quán của Việt Nam là hòa hiếu, chủ trương giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, ngoại giao và pháp lý", ông nói.
Đề cập tới vấn đề Việt Nam cho phép tình nguyện viên Mỹ vào dạy tiếng Anh theo Chương trình Hòa Bình (PC), Thứ trưởng cho biết phía Mỹ từng đề nghị Việt Nam việc này từ hồi năm 2005, khi Thủ tướng lúc đó Phan Văn Khải thăm chính thức Mỹ. Trải qua một thời gian dài trao đổi, thương lượng, đến nay hai nước ký Hiệp định khung cho phép các tình nguyện viên của PC vào dạy tiếng Anh ở Hà Nội và TP HCM.
Hiệp định khung quy định rõ các tình nguyện viên phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, không có bất cứ hoạt động nào xâm hại an ninh Việt Nam và chịu sự quản lý của cơ quan hữu quan Việt Nam. Để triển khai, hai bên cần tiếp tục đàm phán để đạt thỏa thuận thực thi với các nội dung cụ thể, ví dụ số lượng tình nguyện viên, chương trình giảng dạy, ở cơ sở nào.
PC là một chương trình lớn của Chính phủ Mỹ, được Quốc hội cấp ngân sách để thực hiện việc cử tình nguyện viên tới các nước trên thế giới với một chương trình phong phú, trong đó có dạy tiếng Anh. Hiện có 141 quốc gia trên thế giới tiếp nhận chương trình này, trong đó ở khu vực có Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Myanmar.
Nói về Ý định thư về Sáng kiến lưu trữ thiết bị y tế và nhân đạo mà hai bên đã ký kết, ông Ngọc cho hay Việt Nam và Mỹ sẽ tiếp tục trao đổi về một địa điểm lưu trữ các trang thiết bị y tế, giường, lều bạt, thuốc men, dụng cụ cứu hộ phục vụ các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa thiên tai, dịch bệnh.
"Tuyệt nhiên đây không phải là căn cứ và không có sự hiện diện của nhân viên Mỹ", ông nói.
Thứ trưởng khẳng định đối với quan hệ Việt - Mỹ, chuyến thăm của ông Obama là cột mốc mới trên con đường hai nước thực hiện Tuyên bố tầm nhìn chung đưa ra hồi tháng 7 năm ngoái. Riêng đối với phía Mỹ, chuyến thăm thể hiện bước tiến dài trong tư duy của các nhà lãnh đạo Mỹ với Việt Nam kể từ chuyến thăm Việt Nam năm 2006 của Tổng thống George Bush, đó là: Tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam, tôn trọng lãnh đạo Việt Nam (ông Obama đã gặp cả 4 lãnh đạo cấp cao Việt Nam); Tôn trọng, trân trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng dân tộc – danh nhân được UNESCO tôn vinh qua việc Tổng thống Obama thăm Nhà sàn.
Là một trong những người trực tiếp đón và tiễn Tổng thống Mỹ tại sân bay Hà Nội và TP HCM, Thứ trưởng chia sẻ khi chào tạm biệt, ông Obama đã đặt tay lên ngực và nói "Tôi thực sự xúc động. Tôi cảm thấy gần gũi với đất nước này hơn bao giờ hết".
Theo ông Ngọc, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius đêm 22/5 cũng đã tiết lộ rằng chuyến thăm Mỹ rất thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khiến Tổng thống Obama quyết định có chuyến thăm này đến Việt Nam.
Xem thêm Một ngày của Tổng thống Mỹ Obama ở Hà Nội
Việt Anh