Đó là Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ông đã chấp nhận cái mức phụ cấp mà ông được hưởng 4,5 triệu đồng mỗi tháng, chỉ bằng non nửa kinh phí mà lẽ ra cơ quan buộc phải chi trả (lương lái xe, xăng dầu), chứ chưa tính khoản tiền Nhà nước mua sắm xe và sửa chữa xe công. Song, hình như cái chính sách này cũng chỉ có mình ông đăng ký, chẳng một ai mặn mà. Phải chăng với cấp hàm như ông, nay lại ngày ngày tới công sở trên một chiếc xe ôm thì xem ra có vẻ thấy "mất thế".
Đến nay, sau 8 năm, tôi cũng không thấy ai đăng ký thực hiện theo hướng đề xuất này và được báo chí cổ súy, cho dù cái khoản mà Nhà nước thanh toán cho ông mỗi tháng cũng non nửa mức lương của một thứ trưởng hồi đó. Liệu có phải cái mức phụ cấp khoán xe công kia, dù gần bằng nửa lương của một lãnh đạo cao cấp vẫn chưa đủ "hấp dẫn" các quan chức?
Thực ra, khi ông Trần Quốc Thuận đăng ký thực hiện, nó vẫn chỉ là giai đoạn thí điểm. Phải tới tháng 5/2007, Thủ tướng mới ban hành quyết định cho phép các chức danh tương đương thứ trưởng trở xuống (ở cấp tỉnh là từ phó chủ tịch HĐND và UBND trở xuống) được khoán xe công. Sau đó, tháng 9/2007, Bộ Tài chính ban hành thông tư quy định cơ chế và cách tính chi phí khi thực hiện khoán xe công. Như vậy, việc khoán xe công mới thành chính sách.
Từ câu chuyện có thực này, chúng ta có thể cảm nhận một điều, có lẽ đồng lương của người làm quan chức Nhà nước chẳng phải là mối bận tâm của họ? Nếu không, chắc rằng đã có rất nhiều cán bộ đăng ký thực hiện. Nói như ông Thuận hồi đó thì ông đi xe ôm và taxi đi làm, mỗi tháng ông chi cũng chỉ hết có một phần ba số tiền Nhà nước trả cho ông.
Trong một lần trả lời trên báo ở thời điểm đó, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh (nay là Phó thủ tướng) tuyên bố, nếu thực hiện khoán xe công thì sẽ tiết kiệm cho Nhà nước khoảng một nghìn tỷ đồng mỗi năm. Nếu tính từ cái mốc 2007 đến nay đã là bảy năm. Bảy năm cũng có nghĩa là chúng ta đã tiết kiệm được 7 nghìn tỷ đồng theo cách tính đơn giản không có chuyện tăng thêm xe công, lương và xăng cũng không đổi. Một con số không nhỏ!
Tuy nhiên, sau ông Thuận, cơ quan chức năng hầu như không nhận được sự hưởng ứng của một cán bộ, lãnh đạo nào khác. Thậm chí, như lời ông kể, ông còn được đề nghị cấp cho một chiếc ôtô mới hơn để không đi xe ngoài nữa.
Nguyên nhân chính đẫn tới thất bại này có lẽ là do chính sách mà Nhà nước đưa ra là để ai chọn thì tự nguyện đăng ký chứ cũng không bắt buộc. Chính vì thế, ngay đến cơ quan đề xuất là Bộ Tài chính cũng không thấy ai nói là có lãnh đạo đăng ký.
Gần đây, Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) đang tính toán để đưa ra chính sách bắt buộc khoán xe công. Nếu như đối tượng sẽ thực hiện khoán xe là 26.000 xe công thì trong thời gian tới, mỗi năm ngân sách Nhà nước sẽ tiết kiệm chi được 1,5 nghìn tỷ đồng, chứ không còn là một nghìn tỷ như năm nào đã tính nữa.
Vẫn theo số liệu của Cục Quản lý công sản thì tính đến nay cả nước có khoảng 37.000 ôtô công, chưa kể xe thuộc lĩnh vực an ninh - quốc phòng. Con số này, nếu so với các nước trong khu vực và cả thế giới, số lượng ôtô công ở nước ta là khá cao.
Năm 2000, trong một chuyến công tác tại Australia, một nghị sĩ thuộc Công Đảng nói với tôi rằng, ngay Thủ tướng của họ, vào dịp cuối tuần khi về gia đình ở thành phố Sydney, ông cũng phải bỏ tiền mua vé máy bay loại thường (cơ quan Chính phủ Australia đóng ở thủ đô Canberra). Họ nói, lương của ông Thủ tướng đã có phụ cấp đi lại với cách tính rất chi ly rồi. Nếu ai muốn đi máy bay hạng nào, người đó sẽ tự quyết, tự chi, chính phủ không can thiệp.
Để tiết kiệm ngân sách, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất phương thức khoán bắt buộc đối với một số chức danh nhất định. Trước mắt, rất có thể sẽ thực hiện khoán ở một số địa phương như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, sau rồi sẽ làm đại trà. Hy vọng sắp tới, chính sách bắt buộc nói trên sẽ được thông qua. Từ đó, nó sẽ giảm được khá nhiều ngân sách lâu nay phải chi một cách vô lý. Số tiền này, nếu tiết kiệm được sẽ dùng cho việc có ích hơn như mua sắm tàu thuyền ra khơi đánh bắt hải sản, gián tiếp thực hiện bảo vệ chủ quyền biển đảo mà hôm nay chúng ta đang phải đối phó vô cùng quyết liệt.
Với xu hướng sẽ thực hiện như trên, tôi tin rằng chúng ta sẽ tiết kiệm cho ngân sách một con số không hề nhỏ. Chỉ lấy ví dụ rất cụ thể như trên: do khối lượng xe công, giá xăng dầu và tiền mua sắm xe đều tăng, cho nên nếu năm 2006 tính ra nếu làm từ cấp thứ trưởng trở xuống nó đã tiết kiệm mỗi năm 1.000 tỷ đồng. Vậy mà 8 năm sau thôi, con số có thể tiết kiệm mỗi năm đã là 1.500 tỷ thì rõ ràng cũng là điều không nên xem nhẹ, nhất là vào giai đoạn cực kỳ khó khăn về mức tăng trưởng kinh tế của đất nước luôn phải cắt giảm, luôn phải điều chỉnh để cho phù hợp vói thực tế và xem như vẫn... "hoàn thành mức đề ra".
Quốc Phong