Một trong những bài học kinh nghiệm về hợp tác trên biển, trong đó có Biển Đông là "cần có lòng tin vào môi trường luật pháp quốc tế, vào các cơ chế và thể chế chung", Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung nói trong phát biểu khai mạc Hội thảo Biển Đông lần thứ 11 sáng nay tại Hà Nội.
Theo ông Trung, trong xu thế hướng ra đại dương, tăng cường hợp tác biển và đại dương toàn thế giới, các nước không khỏi lo ngại trước các thách thức nổi lên đối với hoà bình và ổn định ở Biển Đông, trong đó có các hoạt động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế ở vùng biển của Việt Nam.
"Việc đơn phương diễn giải luật quốc tế trái với chuẩn mực chung và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, làm giảm lòng tin vào luật pháp quốc tế, làm xói mòn thượng tôn pháp luật. Việc này có thể trở thành tiền lệ nguy hiểm đe doạ hoà bình, ổn định hoà bình, an ninh ở khu vực và quốc tế", ông Trung nói.
Theo Thứ trưởng, các bài học kinh nghiệm khác có thể áp dụng ở Biển Đông là các quốc gia cần có ý chí chính trị thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung, đặc biệt là trong các vấn đề bảo đảm hoà bình; các nước cần có cách hiểu thống nhất về luật biển quốc tế, như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).
Ông Trung cho rằng UNLCOS được biết đến như hiến pháp về đại dương, với 168 thành viên, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương và tài nguyên biển hiện nay. UNLCOS cũng là cơ sở hàng đầu để giải quyết các yêu sách chồng lấn cũng như trong việc phân định biển giữa các quốc gia.
Trong năm 2020, khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam hy vọng sẽ cùng các đối tác thúc đẩy hiệu quả hợp tác các cơ chế của ASEAN để giải quyết các thách thức biển.
"Việt Nam tin tưởng rằng duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông không chỉ là lợi ích mà còn là trách nhiệm của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế", ông Trung nói.
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 diễn ra trong hai ngày 6-7/11 tại Hà Nội. Sự kiện do Học viện Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức. Hơn 250 đại biểu là các quan chức, nhà nghiên cứu tham dự, với 6 phiên toàn thể và 6 bàn tròn.