-
18h20
Giải pháp về "thẻ vàng" của EU với hải sản Việt Nam
Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan tới khuyến cáo "thẻ vàng" của EU với mặt hàng hải sản Việt Nam, Thứ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, Bộ đã xây dựng kế hoạch hành động với những giải pháp cụ thể, chi tiết để thực hiện 9 khuyến cáo của EU đối với thuỷ sản Việt Nam.
Theo đó, để EU rút lại thẻ vàng thì thuỷ sản Việt Nam phải hoàn thành cả 9 khuyến cáo nhưng có 3 nhóm giải pháp cần tập trung nhiều hơn.
Thứ nhất, Việt Nam cần hoàn thiện thể chế phù hợp với quy định của quốc tế trong đó có EU. Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Luật Thuỷ sản (sửa đổi) đã được thông qua, trong đó Việt Nam đưa vào tối đa các khuyến cáo của EU. Bộ Nông nghiệp cũng đang khẩn trương triển khai sửa các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Thuỷ sản.
Thứ hai là năng lực thực thi của hệ thống quản lý nhà nước và ngư dân. Đây là vấn đề yếu nhất của Việt Nam và không thể đáp ứng ngay trong thời gian ngắn. "Chúng ta cũng sẽ cố gắng làm những việc cấp bách trước mắt để vượt qua, như thực hiện nghiêm Công điện 32 của Thủ tướng về việc chấm dứt tình trạng tàu cá của ngư dân khai thác bất hợp pháp trên vùng biển các nước", ông Tám nói.
Vừa qua các địa phương đã triển khai quyết liệt Công điện trên. Từ tháng 7 đến nay, tình trạng vi phạm đã giảm. Đặc biệt với Quảng Ngãi, địa phương có nhiều tàu cá vi phạm nhất thì từ tháng 7 đến nay chưa ghi nhận thêm trường hợp vi phạm nào.
Thứ ba là công tác tuyên truyền, làm cho hệ thống quản lý nhà nước về thuỷ sản, các doanh nghiệp và đặc biệt là các chủ tàu, ngư dân hiểu được những nội dung chống đánh bắt bất hợp pháp, báo cáo không theo quy định là như thế nào trong thực tiễn.
"Trong truyền thông cũng phải tăng cường đối thoại, bởi EU vẫn chưa thừa nhận những nỗ lực của Việt Nam trong tiếp thu các khuyến cáo đưa vào Luật Thuỷ sản sửa đổi", ông Tám nói và nhấn mạnh, trong ba nhóm giải pháp trên thì năng lực thực thi là quan trọng nhất vì "EU muốn chúng ta hành động cụ thể, chuyển biến trên thực tế".
Hồi cuối tháng 10, EU đã phát cảnh báo thẻ vàng với ngành đánh bắt hải sản Việt Nam do vi phạm việc chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) vì những nỗ lực của Việt Nam chưa đủ để chống khai thác thủy hải sản bất hợp pháp.
Theo các chuyên gia, việc này ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu ngành hải sản Việt Nam, khiến xuất khẩu sang thị trường EU bị sụt giảm; nó cũng có thể tác động xấu đến việc xuất khẩu sang các thị trường khác như Mỹ, vốn là quốc gia đang chuẩn bị áp dụng hệ thống kiểm soát thủy sản nhằm chống khai thác IUU từ đầu năm 2018.
-
18h10
"Cần kết luận rõ ràng mất hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh vì lý do gì?"
Phóng viên báo Tiền phong nêu câu hỏi về vụ thất lạc hồ sơ, tài liệu bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh (nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang), với đề nghị đại diện Bộ Nội vụ cho biết ý kiến trước việc vừa qua Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kết luận ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ, không vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật liên quan đến hồ sơ, tài liệu này.
Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho hay, việc quản lý hồ sơ phải thực hiện theo quy định pháp luật và cơ quan trình chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khi kết luận các vụ việc liên quan đến Trịnh Xuân Thanh thì có nêu, Bộ Nội vụ cần thiết mời Bộ Công an vào điều tra.
"Trên cơ sở kết luận của Bộ Công an, tôi nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc kết luận rõ ràng, mất hồ sơ vì lý do gì. Trong hồ sơ giải quyết vụ việc có thành phần hồ sơ, ý kiến trình cơ quan tham mưu, ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền... Hiện giờ thất lạc hồ sơ rất khó đánh giá, phải căn cứ kết luận của Bộ Công an.", ông Thăng nói.
Liên quan đến kết luận nêu trên của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Thăng nói đó là "thông báo riêng", vì vậy "tôi không hiểu nhà báo lấy thông tin ở đâu, đề nghị cơ quan chức năng xem xét việc này".
Trước đó tại cuộc họp báo hồi tháng 8, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đã thông tin về việc hồ sơ gốc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (năm 2015) bị thất lạc.
Cụ thể, thời điểm xảy ra sự việc, cơ quan này nhận được 2 bộ hồ sơ có dấu đỏ đề nghị phê chuẩn chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đối với ông Trịnh Xuân Thanh. “Tuy nhiên hiện Bộ chỉ còn giữ một bản gốc, còn một bản có đóng dấu công văn đến lưu văn thư thì đang thất lạc. Bộ đang kiểm tra, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan. Khi có kết luận cụ thể sẽ công khai", ông Thừa nói.
Tháng 5/2015, ông Trịnh Xuân Thanh từ Vụ trưởng, Ban đổi mới doanh nghiệp Bộ Công Thương được chuyển công tác, bầu bổ sung làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Ông này đã trải qua nhiều vị trí lãnh đạo ở Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), ngành công thương, UBND tỉnh Hậu Giang trước khi bị truy nã... Ngày 31/7, cơ quan chức năng đưa tin ông Thanh "đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú".
-
18h05
"Dự án BOT Cai Lậy không có gì sai"
Trả lời câu hỏi của báo chí về các dự án BOT, trong đó có BOT Cai Lậy, ông Nguyễn Nhật - Thứ trưởng Giao thông vận tải cho biết, thời gian qua Bộ đã tiếp 107 đoàn thanh tra, kiểm tra về nội dung này; Bộ sẽ tổng hợp toàn diện mặt được, chưa được để trình lên Thủ tướng.
Trước diễn biến ở BOT Cai Lậy từ ngày 30/11 đến nay, ông Nhật cho biết, theo quy định các trạm ách tắc quá 500 m thì phải xả trạm, cơ quan quản lý nhà nước sẽ không để thời gian kéo dài.
Tuy nhiên, theo ông, vừa qua tại trạm Cai Lậy cũng có một số lái xe quá khích, không ủng hộ thu phí tại trạm này, đánh xe tới giữa trạm, tắt máy và bỏ xe lại... thì dư luận không nên ủng hộ. "Chúng tôi sẽ không để tình trạng này kéo dài", Thứ trưởng Giao thông khẳng định.
Ông Nhật cũng cho biết, trong thời gian tạm đóng trạm hồi tháng 8/2017, Bộ đã rà soát lại tất cả các quy định liên quan cho thấy đầu tư dự án này không sai.
Trạm thu phí Cai Lậy hoạt động ngày 1/8. Tuy nhiên, sau đó nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé để phản đối trạm đặt sai vị trí. Vụ việc khiến trạm này bị ùn tắc giao thông nghiêm trọng nhiều ngày. Ngày 15/8, chủ đầu tư cho xả trạm.
9h ngày 30/11, trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) thu phí trở lại. Giá vé mỗi lượt của các loại xe đồng loạt giảm 30%, thấp nhất là 25.000, cao nhất 140.000 đồng.
Tuy nhiên, chưa tròn một ngày đêm qua, trạm BOT Cai Lậy đã phải 3 lần xả cửa trước "chiến thuật" đưa tiền lẻ 25.100 đồng, đòi thối 100 đồng của tài xế.
-
17h46
"Điều tra, xử lý nghiêm những hành vi bạo hành trẻ em"
Theo ông Mai Tiến Dũng, trước việc tại một số địa phương vừa đã xảy ra nhiều vụ bạo hành, xâm hại, sát hại trẻ em, Thủ tướng đã chỉ đạo các cấp, các ngành cùng vào cuộc, triển khai các giải pháp căn cơ để xử lý, giải quyết tình trạng này, không để tái diễn.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương quan tâm xây dựng trường mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; hạn chế việc người dân phải gửi trẻ em ở những nơi trông trẻ tự phát; chú ý vấn đề hành xử, thái độ của các cô giáo mầm non.
"Điều tra, xử lý nghiêm những hành vi bạo hành trẻ em; rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non", Thủ tướng nêu rõ.
-
17h45
Thủ tướng yêu cầu báo cáo toàn diện về vấn đề BOT
Tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng cũng giao các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho các bộ, ngành.
Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình thị trường tiền tệ, tín dụng, lãi suất, tỉ giá hối đoái, thị trường ngoại tệ để có chính sách điều chỉnh kịp thời, không để biến động lớn trong tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Các Bộ: Tài chính, Công Thương, theo dõi chặt chẽ tình hình giá cả, thị trường.
Đề cập đến việc giá điện đã tăng thêm 6,08% từ 1/12 với mức giá bán lẻ mới là 1.720,65 đồng một kWh (chưa bao gồm thuế VAT), Thủ tướng nói Thường trực Chính phủ đã thảo luận kỹ về việc này, và mức tăng giá điện như vậy chỉ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng 0,08% năm 2017 và 0,1% năm 2018, như vậy rất thấp.
Đề cập đến các dự án BOT, một vấn đề nóng bỏng hiện nay, Thủ tướng giao Bộ trưởng Giao thông Vận tải có báo cáo tổng hợp, trình Thường trực Chính phủ, đặc biệt là công trình BOT Cai Lậy (Tiền Giang) để đánh giá toàn diện. Thủ tướng nêu rõ không để kéo dài tình trạng này.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu thực hiện nghiêm lộ trình thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (trong đó có thoái vốn của Sabeco, Habeco và một số doanh nghiệp lớn khác…).
Nhấn mạnh nhiệm vụ cơ cấu lại nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng, cần tổ chức hội nghị bàn về việc phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh. Đây là hướng ra quan trọng của nông nghiệp Việt Nam.
Trong lĩnh vực xã hội, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục lên án hành vi sai trái, tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến xây dựng văn hóa, làm tha hóa con người. Bộ Công an điều tra, xử lý nghiêm hành vi bạo hành trẻ em.
-
17h30
"Các thành viên Chính phủ phải thực hiện liên tục lời hứa của mình"
Chiều 1/12, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp báo về phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cùng ngày.
Tại đây, ông Mai Tiến Dũng cho hay, Chính phủ xác định 3 nội dung trọng tâm chỉ đạo điều hành năm 2018. Trong đó, quan trọng nhất là hoàn thành toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế-xã hội; tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Thứ hai, quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật và chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp.
Thứ ba, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm; chú trọng hơn nữa phát triển văn hóa, xã hội; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế...
Theo ông Dũng, trong phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành phải phấn đấu một số công việc có kết quả cụ thể. "Ví dụ với ngành Giao thông Vận tải là sân bay Tân Sơn Nhất, Long Thành, đường cao tốc; với ngành công thương thì các chương trình mục tiêu, thương mại điện tử, chống gian lận, buôn lậu… và phải tạo được chuyển biến cả hệ thống chứ không chỉ một bộ phận", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng lưu ý các thành viên Chính phủ cần thực hiện tốt hơn, liên tục lời hứa của mình trước Quốc hội và người dân.
"Nói và làm đi liền với nhau, nhất là trong hành động cụ thể, chứ không phải trước Quốc hội, trong thảo luận ở Quốc hội thì sôi nổi, trách nhiệm, sau đó chúng ta không xem lại những lời hứa của mình", Thủ tướng nhấn mạnh.