- Thưa ông, vì sao Bộ quyết định giao lại quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng?
- Sự thay đổi thi, tuyển sinh lần này là do Luật giáo dục Đại học đã nêu rõ: Các cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm công tác tuyển sinh. Nghị quyết hội nghị lần thứ 8 của Ban chấp hành trung ương khóa 11 cũng xác định giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học.
Mặt khác, đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đang được thực hiện, theo đó, chương trình sách giáo khoa, phương pháp học... sẽ thay đổi, đòi hỏi phải đổi mới công tác thi cử. Thi thay đổi thì dạy và học sẽ thay đổi theo. Nếu đổi mới dạy học phổ thông mà thi đại học không đổi thì không thể đổi mới được. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng từng khẳng định, đổi mới tuyển sinh là khâu đột phá.
Hơn nữa, các đại học, học viện, cao đẳng đã thực hiện kỳ thi 3 chung trong một giai đoạn dài. 3 chung đã hoàn thành sứ mệnh. Các trường đã có điều kiện về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và kinh nghiệm tổ chức thi… nên tùy mục tiêu đào tạo mà thực hiện tuyển sinh phù hợp. Chúng ta không thể lấy một thước đo cho các ngành đa dạng như hiện nay được nữa. Tuy nhiên, để giúp các trường chưa thực hiện tuyển sinh riêng, trong vòng 3 năm tới, Bộ vẫn tiếp tục tổ chức kỳ thi tuyển sinh 3 chung.
- Trả quyền tự chủ cho các trường đồng nghĩa với việc quay lại thời kỳ thi cử trước 3 chung cách đây hơn 10 năm. Vậy Bộ làm thế nào để giám sát các trường đảm bảo chất lượng trong tuyển sinh?
- Để đảm bảo quá trình chuyển từ phương thức thi 3 chung do Bộ tổ chức sang phương án tuyển sinh riêng do từng trường đảm nhiệm nghiêm túc, không gây xáo trộn lớn trong xã hội, Bộ Giáo dục sẽ khuyến khích, tạo điều kiện để các trường thực hiện tự chủ trong tuyển sinh. Bộ chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong thanh tra, kiểm tra việc thực hiện tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường.
Từng trường phải xây dựng đề án tuyển sinh riêng đáp ứng các yêu cầu do Bộ quy định để đảm bảo chất lượng tuyển sinh. Theo đó, các trường không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, giáo viên của nhà trường tổ chức luyện thi; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh, không để phát sinh tiêu cực, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch.
Bên cạnh đó, phải thực hiện chế độ thông tin kịp thời và báo cáo kết quả sau khi kết thúc kì thi tuyển sinh riêng về Bộ. Trường cũng phải phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tốt công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Phương thức tuyển sinh của nhà trường cũng cần công bố rộng rãi để thí sinh, phụ huynh và xã hội giám sát.
Thanh tra Bộ, Sở, địa phương và cơ quan liên quan sẽ cùng phối hợp kiểm tra tuyển sinh của các trường, kết quả sẽ được công bố công khai. Trước đây, các trường thuộc Bộ rất nhiều, vì vậy Bộ không kiểm tra hết. Nhưng khi giao quyền tự chủ, từng trường phải có công tác kiểm tra, đánh giá, nêu rõ trong đề án tuyển sinh. Các trường phải có trách nhiệm tự thanh tra, giám sát làm tốt công tác tuyển sinh trước khi thanh tra bộ thực hiện và sẽ bị xử phạt nghiêm nếu làm sai.
- Dù là bắt buộc phải tuyển sinh riêng nhưng Bộ vẫn yêu cầu các trường có đề án trình Bộ xem xét. Vậy đề án như thế nào mới đảm bảo tiêu chuẩn tự chủ tuyển sinh?
- Các trường có thể lựa chọn và quyết định phương thức tuyển sinh theo quy định của Luật giáo dục đại học gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Trong đề án tuyển sinh riêng, mỗi trường cần nêu được mục đích, nguyên tắc lựa chọn phương án tuyển sinh.
Đối với các trường lựa chọn phương thức thi tuyển, cần xác định môn thi, hình thức thi, thời gian làm bài đối với mỗi môn, lực lượng giáo viên ra đề thi, chấm thi, coi thi, các điều kiện đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, công tác thanh tra, giám sát.
Đối với các trường lựa chọn phương thức xét tuyển, cần làm rõ môn xét tuyển, hình thức, nguyên tắc, phương pháp xét tuyển, căn cứ để xét tuyển và độ tin cậy, tính khách quan, lực lượng cán bộ, giáo viên làm công tác xét tuyển, công tác thanh tra, giám sát.
Còn các trường lựa chọn phương thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển cũng cần làm rõ các yêu cầu tương tự. Ngoài 3 phương thức tuyển sinh theo quy định của Luật giáo dục đại học nêu trên, các trường có thể bổ sung thêm các hình thức kiểm tra thông qua: phỏng vấn, viết luận, thực hành, kiểm tra năng khiếu…
Đối với các hình thức kiểm tra bổ sung này, các trường cần làm rõ tiêu chí, điều kiện, nguyên tắc, nội dung, cách thức, các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất... để đảm bảo tính khả thi của phương án, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Tóm lại, các trường muốn tự chủ phải đảm bảo nguồn lực tổ chức thực hiện việc tuyển sinh riêng, có các tiêu chí đảm bảo chất lượng nguồn tuyển rõ ràng, không gây phức tạp cho xã hội và tốn kém cho thí sinh, được dư luận đồng tình ủng hộ và có các giải pháp chống tiêu cực khả thi. Các trường cũng phải cam kết chất lượng đầu vào, dự kiến lấy điểm trúng tuyển tối thiểu bao nhiêu chứ không được phép lấy từ cao xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu.
Theo lộ trình, năm 2014 và 2 năm tiếp theo, các trường có thể thực hiện đề án tuyển sinh riêng được Bộ xác nhận là đáp ứng các yêu cầu, hoặc tham gia kỳ thi chung do Bộ tổ chức. Ngoài ra, những trường có ngành nghề đào tạo tương đương có thể thoả thuận với trường có đề án tuyển sinh phù hợp đã được Bộ xác nhận là đáp ứng các yêu cầu quy định tại văn bản này để tổ chức thi tuyển sinh theo đề án của trường đó.
Các trường tổ chức tuyển sinh riêng không sử dụng kết quả thi của kỳ thi chung do Bộ tổ chức. Kết quả thi của thí sinh chỉ có giá trị xét tuyển vào các trường tổ chức thi tuyển sinh theo cùng đề án, không có giá trị xét tuyển sang trường khác.
- Khi thi 3 chung nếu không đỗ vào trường dự thi thí sinh được dùng kết quả để xét tuyển sang trường khác nhưng nếu các trường tự chủ thì kết quả sẽ không được sử dụng để xét tuyển. Vậy quyền lợi của thí sinh được xem xét như thế nào?
- Khi các trường tổ chức thi riêng thì không thể dùng kết quả thi 3 chung để xét tuyển vì chuẩn của hai cách thức thi là khác nhau. Thi chung có lợi cho thí sinh, còn thi riêng có lợi cho trường. Cách thức nào cũng có mặt được và chưa được.
Tuy nhiên, khi tự chủ tuyển sinh, các trường được phép tổ chức tuyển sinh 2 lần trong năm vào thời gian do Bộ Giáo dục quy định. Từ đó, thí sinh có cơ hội tham gia nhiều kỳ thi ở nhiều trường khác nhau. Đối với các nhóm trường có ngành đào tạo gần nhau có thể thi chung. Kết quả này thí sinh được phép xét tuyển trong nhóm trường đó. Trong mùa tuyển sinh vừa qua, 10 trường khối văn hóa nghệ thuật cũng đã thực hiện. Như vậy cơ hội của thí sinh vẫn được đảm bảo.
- Trong 17 hồ sơ đã gửi cho Bộ xin đăng ký tự tuyển sinh thì hầu hết là các trường ngoài công lập. Như vậy có thể hiểu các trường công lập vẫn dựa dẫm vào 3 chung và không muốn tự tổ chức thi?
- Lần này Bộ quyết định giao quyền tự chủ, các trường phải thực hiện chứ không còn là lựa chọn nữa. Thực tế, các trường công lập chưa mặn mà với quy chế tuyển sinh riêng vì với kỳ thi ba chung, họ đã rất yên tâm. Cái khó nhất là đề thi thì Bộ đã làm, trường sử dụng đề của Bộ và không thiếu nguồn tuyển. Tự làm đề thi có thể gặp nhiều rủi ro.
Nhưng với chủ trương này, các trường phải suy nghĩ đến phương án tuyển sinh riêng. Bởi mỗi trường có mục tiêu đào tạo khác nhau nên yêu cầu lãnh đạo các trường phải suy nghĩ để có phương án tuyển sinh chọn đúng đối tượng có các kỹ năng, năng lực phù hợp để đào tạo có chất lượng; yêu cầu trường phải động não, không được ỷ lại vào Bộ nữa.
Bộ dành 3 năm làm thời gian chuyển tiếp, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn 3 chung. Sau 3 năm, học sinh bắt đầu vào lớp 10 với phương pháp học mới, thi mới, phải hình dung phương án tuyển sinh khác đi.
Các trường ngoài công lập trước đây xin tuyển sinh riêng nhưng chưa đủ điều kiện phê duyệt. Đợt này, khi tất cả đều phải tự chủ thì các trường cần phải tạo dựng được uy tín, thương hiệu. Tự chủ gắn liền với tự chịu trách nhiệm, khi các trường được tự do thì cơ hội lựa chọn của học sinh cũng nhiều hơn, các trường cũng phải cạnh tranh nhiều hơn để thu hút thí sinh.
Ông Đỗ Quốc Anh, Vụ trưởng, Giám đốc cơ quan đại diện của Bộ GD&ĐT tại TP HCM cho rằng, thay đổi tuyển sinh lần này là thay đổi về chất trong việc thi. Thời điểm này đã chín muồi để làm điều đó. Về pháp lý đã có Luật Giáo dục đại học, một loạt các trường đã đề xuất phương án tuyển sinh riêng nhưng chưa áp dụng được vì xã hội chưa chấp nhận. Khi thực hiện phương án tuyển sinh riêng, tự chủ thì rõ rồi nhưng tự chịu trách nhiệm là rất quan trọng, bởi các trường nếu không chọn phương án tuyển sinh cẩn thận, để xã hội cảm thấy là chất lượng không cao thì thương hiệu nhà trường sẽ xuống. Các trường ngoài công lập cứ nghĩ thi riêng sẽ có sinh viên thì không phải. Các trường công lập cũng thi riêng, nếu phương án họ tốt, họ có thể vét nhiều thí sinh hơn hiện nay. "Đây thực chất là cuộc cạnh tranh mới giữa các trường trong việc tổ chức thi. Các trường phải hết sức quan tâm đến thương hiệu của mình", ông Quốc Anh nói. |
Hoàng Thùy