Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Điều lệ trường Tiểu học, có nhiều ý kiến bàn luận xung quanh quy định các lớp tiểu học có thể lập Hội đồng tự quản với các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch do học sinh bầu hoặc giáo viên chủ nhiệm chỉ định luân phiên.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, chức danh Chủ tịch hội đồng tự quản ở lớp tiểu học thay cho lớp trưởng đã được sử dụng từ nhiều năm, ở nhiều trường trên cả nước trong mô hình VNEN.
Theo Thứ trưởng, mô hình VNEN khởi nguồn ở Colombia từ những năm 1995-2000 để dạy trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn, theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm. Mô hình này vừa kế thừa những mặt tích cực của trường học truyền thống, vừa có sự đổi mới căn bản về mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, tài liệu học tập, phương pháp dạy – học, cách đánh giá, cách tổ chức quản lí lớp học, cơ sở vật chất phục vụ cho dạy – học…
Năm học 2011-2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu triển khai thí điểm “Mô hình trường học mới Việt Nam” và được thực hiện trên diện rộng với gần 1.500 trường tiểu học ở 63 tỉnh, thành trên cả nước từ đầu năm học 2012-2013. Đây là dự án được thực hiện bằng nguồn kinh phí viện trợ không hoàn lại của Quỹ Giáo dục toàn cầu.
Thứ trưởng Hiển cho biết, điểm nổi bật của mô hình này là đổi mới về các hoạt động sư phạm, mà một trong số đó là cách thức tổ chức lớp học. Theo mô hình của trường học mới, quản lý lớp học là “Hội đồng tự quản học sinh”, các “ban” trong lớp, do học sinh tự nguyện xung phong và được các bạn tín nhiệm bầu ra.
Hội đồng tự quản là một biện pháp giúp học sinh được phát huy quyền làm chủ quá trình học tập, giáo dục. Học sinh có điều kiện hiểu rõ quyền và trách nhiệm trong môi trường giáo dục, được rèn các kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng tham gia, hợp tác trong các hoạt động.
Tổ chức Bộ máy Hội đồng tự quản học sinh bao gồm có một Chủ tịch, hai phó Chủ tịch và các ban tham gia hội đồng như Ban học tập, Ban quyền lợi, Ban sức khoẻ, vệ sinh, Ban văn nghệ, thể dục, Ban thư viện; Ban đối ngoại...
"Nếu như một trong những nhiệm vụ của lớp trưởng truyền thống là hỗ trợ giáo viên theo dõi việc học tập và thực hiện các nội quy của lớp, của trường như đi học đúng giờ, học bài ở nhà...thì chủ tịch hội đồng sẽ không làm việc này nữa. Chính các thành viên trong lớp với các ban sẽ theo dõi, giám sát lẫn nhau", Thứ trưởng cho hay.
Trước đây, khi có công việc tập thể, giáo viên sẽ đứng ra tổ chức phân công, lớp trưởng đôn đốc các bạn thực hiện, nhưng với mô hình Hội đồng tự quản, chính các thành viên trong lớp sẽ đứng ra tổ chức, bàn bạc với nhau, thậm chí đề xuất nguyện vọng. Khi hội đồng tự quản thông qua, ý kiến sẽ được báo cáo với giáo viên và phụ huynh.
Theo Thứ trưởng, một số nơi các em còn báo cáo với lãnh đạo địa phương và được địa phương, nhà trường, tổ chức đoàn thể tiếp thu, lắng nghe và hướng dẫn các em thực hiện cho hiệu quả. Thông qua những hoạt động này, học sinh sẽ tăng khả năng tự chủ, tự quản, tăng cường được kĩ năng sống..
Trong mô hình trưởng tiểu học mới, giáo viên không đứng giảng mà tổ chức cho các em tự học. Những học sinh khá có nhiệm vụ giúp đỡ những bạn yếu hơn để cùng nhau tiến bộ. Giáo viên lúc này là người tổ chức hướng dẫn, giải đáp các thắc mắc, động viên học sinh học tập tốt và khuyến khích những em còn yếu.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho hay, năm học tới có 3.700 trường trong số hơn 15.000 trường tiểu học trên cả nước đăng ký tham gia toàn diện mô hình trường học mới VNEN.
Thực tế, đa phần các địa phương khi học sinh học hết lớp 5 đều đề nghị, đề xuất lên THCS cần để các em học theo VNEN chứ không theo mô hình truyền thống. Bộ đã đáp ứng nguyện vọng này. Năm học 2014-2015 thử nghiệm trên 24 trường với 48 lớp và thấy đã thành công ở lớp 6.
"Sang năm học mới 2015-2016 Bộ tiếp tục hoàn thiện tài liệu, triển khai tập huấn và đã có 1.600 trường đăng ký triển khai mô hình VNEN cấp THCS ở lớp 6. Chúng ta có thể hình dung VNEN là thử nghiệm trong đổi mới chương trình, SGK nói riêng và thử nghiệm đổi mới trong các trường tiểu học nói chung", Thứ trưởng Hiển chia sẻ.
Trường Tiểu học Đa Thành (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đã phát triển theo mô hình trường học mới được hai năm. Cô Huỳnh Thị Bích Liên, giáo viên lớp 3D cho biết, mô hình VNEN đã giúp học sinh chủ động hơn trong học tập. Vì em nào cũng phải phát biểu nên các em đã mạnh dạn hơn. Giáo viên không phải cầm tay chỉ việc mà chỉ hỗ trợ, giải đáp thắc mắc, nhận xét, động viên để các em tiến bộ. "Nhờ sự giao tiếp thường xuyên giữa học sinh với nhau, học sinh với giáo viên, học sinh với phụ huynh đã giúp các em tự tin lên rất nhiều. Thông qua các hoạt động nhóm, tình đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ cũng được phát huy", cô Liên nói. Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết mô hình VNEN đã được triển khai tại Hà Nội từ 3 năm trước, ở 58 trường Tiểu học thuộc 15 quận huyện. Theo ông Tiến, các nhà trường, giáo viên và cha mẹ học sinh đánh giá mô hình VNEN có nhiều ưu điểm và tính khả thi. Vì vậy, Sở Giáo dục Hà Nội có chủ trương tiếp tục nhân rộng thí điểm VNEN ở 100% các quận, huyện, thị xã. Các trường Tiểu học đều có thể áp dụng và nhân rộng Mô hình trường học mới theo một trong hai hình thức là áp dụng thí điểm ở một số khối lớp hoặc một số lớp của từng khối hoặc áp dụng toàn trường cho tất cả khối lớp. |
Lan Hạ