Ngày 24/3, tại Hội thảo khoa học về quản lý giáo dục tổ chức ở TP HCM, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, nhận thức vấn đề quản lý và đổi mới chương trình giáo dục của nhiều cán bộ quản lý trong ngành chưa thấu đáo. Nguyên nhân được cho là cán bộ quản lý ít chịu đọc hoặc đọc không đến nơi đến chốn các văn bản của Nhà nước liên quan đến đổi mới giáo dục, chương trình, sách giáo khoa dẫn đến cách hiểu và làm sai.
Theo ông Hiển, tại nhiều trường học, cán bộ chưa phân biệt được quản lý chuyên môn và quản lý nhà nước nên chỉ đạo công việc chồng chéo, thậm chí làm thay cấp dưới. Nhiều khái niệm đổi mới giáo dục bị cán bộ quản lý nhận thức theo nghĩa hạn hẹp.
Ông Hiển nêu ví dụ, xã hội hóa giáo dục không chỉ thu nhiều nguồn lợi từ phía doanh nghiệp, các tổ chức về cho nhà trường như cách nghĩ của nhiều người, mà phải biến nhà trường là nhân tố quan trọng trong xã hội. Hay cách dạy học tích hợp vốn được thực hiện từ rất lâu nhưng nhiều cán bộ quản lý vẫn còn nhắc đến "như chuyện trên trời".
Thứ trưởng Bộ Giáo dục cũng cho rằng, ngay chương trình đào tạo sư phạm cũng cần được xem lại vì phần nhiều đã lạc hậu. Nhiều trường sư phạm không xây dựng được khung chương trình đào tạo, có gì dạy nấy.
Tại hội thảo trên, một số Giám đốc Sở Giáo dục các tỉnh thành phía Nam đã đề xuất nhiều giải pháp đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận muốn trao quyền tự chủ nhiều hơn cho giáo viên phổ thông, đồng thời đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh.
Theo ông Thái, việc đánh giá học sinh không nên yêu cầu quá cao hoặc quá thấp mà cần chú trọng vào khả năng, sở trường của từng em. "Từ chỗ coi trọng khả năng ghi nhớ và tái hiện thông tin, cần khuyến khích các em phát huy năng lực tìm kiếm, lựa chọn, tổng hợp và vận dụng kiến thức để giải quyết tình huống", ông Thái đề nghị.
Về chương trình sách giáo khoa, bà Huỳnh Lệ Giang - Giám đốc Sở Giáo dục Đồng Nai - cho rằng, cần nhiều bộ sách để giáo viên có thể lựa chọn tùy theo năng lực của học sinh. "Việc phân loại, phân luồng cho học sinh cấp THPT, THCS cũng bằng các bộ sách giáo khoa này", bà Giang nói.
Mạnh Tùng