Nhiều nơi tại Hà Nội vài ngày nay bị cắt điện khẩn cấp do lượng tiêu thụ tăng vọt. Tại họp báo chiều 3/6, nguy cơ thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh được đặt ra với lãnh đạo Bộ Công Thương.
"Chúng ta nói về nguy cơ nhưng có thực tế, tại một số nơi đang thiếu điện cho sản xuất, sinh hoạt", ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Công Thương trả lời tại họp báo.
Lãnh đạo Bộ Công Thương bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp, sự bất tiện và nỗi khổ của người dân trong sinh hoạt, cuộc sống do thiếu điện gây nên. Tuy vậy, ông Hải cho hay, việc mất điện tại Hà Nội và một số địa phương những ngày qua "chỉ trong một số thời gian nhất định".
Ông cho hay, việc thiếu điện xuất phát từ thực tế thời tiết nắng nóng kỷ lục trên cả nước, diễn biến khó lường và kéo dài từ đầu tháng 5. Nắng nóng làm tăng nhu cầu điện sinh hoạt. Trong khi đó, thủy điện - một trong số nguồn cung ứng điện chính cho phía Bắc năm nay huy động thấp do nước về các hồ rất ít, ảnh hưởng cung ứng điện mùa khô. Nguồn than nhập khẩu về chậm hơn nhu cầu cần cho sản xuất điện vào cuối tháng 5.
Tuy vậy, đại diện Bộ Công Thương vẫn cho rằng, với quy mô tổng công suất nguồn điện khoảng 81.504 MW, nhu cầu phụ tải cao nhất 44.000 MW, nếu đảm bảo các tổ máy nhiệt điện không gặp sự cố, vận hành xuyên suốt, đủ nước cho thủy điện, thiếu điện sẽ được khắc phục.
Bổ sung, ông Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng tại nhiều cuộc họp, là không để thiếu điện trong tháng 5, 6 và những tháng tới.
Cùng với các giải pháp cung ứng than (trong nước, nhập khẩu), khí, dầu và huy động tăng từ điện tái tạo, và công suất tiêu thụ lớn nhất đạt hơn 54,3% tổng công suất đặt nguồn điện, ông Sơn nói "chúng ta yên tâm là đủ điện, vấn đề còn lại là sử dụng và vận hành hệ thống".
Trước tình hình khó khăn trên, ba giải pháp để đảm bảo cung ứng điện được nhà chức trách đưa ra. Trước tiên là tăng vận hành hệ thống điện, huy động các nguồn điện sẵn có và đảm bảo nhiên liệu (than, dầu, khí) sẵn sàng cho cung ứng.
Chẳng hạn, Bộ Công Thương đã điều tiết cấp 300.000 tấn than cho phát điện trong tháng 5 và 100.000 tấn than trong các tháng 6 và 7. Bên cạnh đó, lượng khí cấp cho sản xuất điện tại Đông Nam Bộ là 18% và Tây Nam Bộ là 8%.
Giải pháp thứ hai là đẩy nhanh đưa các nhà máy điện tái tạo chuyển tiếp (điện gió, điện mặt trời) chưa có giá vào vận hành. Đến 31/5 có 7 dự án, tổng công suất hơn 430 MW phát điện lên lưới.
Cuối cùng là tiết kiệm điện. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói, đây là chính sách xuyên suốt được thực hiện nhiều năm nay, không phải khi thiếu mới tiết kiệm điện. Trong bối cảnh hiện nay, việc tiết kiệm càng cần thiết và hiện 53 địa phương đã cam kết đẩy mạnh. Lượng điện tiết kiệm được mỗi ngày khoảng 20 triệu kWh, tương đương 2,5% lượng tiêu thụ.
Về giải quyết điện gió và mặt trời không nằm trong quy hoạch, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng phê duyệt, không đưa danh sách tên dự án điện gió, mặt trời hay ngoài khơi cụ thể mà chỉ nêu tổng công suất phát triển các nguồn điện này tới 2030, tầm nhìn 2050. Bộ Công Thương đang hoàn thiện quy định, xây dựng cơ sở để làm căn cứ thực hiện các dự án này thời gian tới.
Với các dự án chuyển tiếp, EVN đang cùng các chủ đầu tư đẩy nhanh việc đàm phán giá theo khung giá của Bộ ban hành. Ông lưu ý, việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án không kịp hưởng giá FIT trước đây là cần thiết, nhưng ngoài cơ chế giá điện, cần tuân thủ quy định khác như quy hoạch, đầu tư, đất đai, môi trường.
"Với sự thiện chí, hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro, tuân thủ pháp luật, chúng ta mong các dự án này sớm khắc phục vướng mắc, khó khăn, vi phạm. Các địa phương cũng hỗ trợ các dự này để sớm đưa vào huy động nguồn điện đảm bảo cung cấp điện", ông Hải nói.
Hiện có 59 trong số 85 dự án đã nộp hồ sơ để đàm phán giá tạm, hợp đồng mua bán điện (PPA). 40 dự án được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm bằng 50% giá trần trong khung giá, tức tối đa 908 đồng một kWh (chưa gồm thúe VAT). Tuy nhiên, hiện vẫn còn 26 nhà máy (1.346 MW) chưa gửi hồ sơ đến EVN để đàm phán giá điện.