Trong tham luận trình bày tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF) được tổ chức sáng ngày 16/12, ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng Công Thương cho rằng xu hướng người tiêu dùng Việt trong 5 năm tới sẽ thay đổi sâu sắc nhờ sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin.
Với kết cấu dân số trẻ, người tiêu dùng Việt Nam sẽ là những người thông minh trong thời đại số, sẵn sàng tiếp cận và học hỏi các xu hướng mới trên thế giới. Theo dự báo của Nielsen Việt Nam, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ tăng trưởng gần gấp 3 lần, từ 13 triệu người lên 33 triệu vào năm 2020, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
"Đây sẽ là động lực chính làm thay đổi cách tiêu dùng của người Việt, tạo xu hướng ứng dụng và trải nghiệm công nghệ trong quá trình mua hàng", ông Tuấn Anh cho hay.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, hiện Internet và thiết bị điện tử đóng vai trò quan trọng trong quá trình mua hàng của người tiêu dùng, đặc biệt đối với nhóm trong độ tuổi 25-34. Hơn 40% trong tổng 92 triệu dân của Việt Nam sử dụng Internet, và 58% trong số này đã từng tham gia mua hàng trực tuyến. Số liệu cũng cho thấy, hiện ở Việt Nam, trong số hơn 120 triệu thuê bao di động có gần hai phần ba khách hàng sử dụng smartphone để mua hàng trực tuyến.
"Các phương thức thương mại hiện đại như mua hàng trực tuyến hoặc mua hàng trên các thiết bị di động thông minh đang nổi lên như một xu hướng mới đối với người tiêu dùng trẻ tại Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam nằm trong khu vực có mức độ tăng trưởng về smartphone cao nhất toàn cầu hiện nay, vì vậy, xu hướng này được dự đoán tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới", lãnh đạo Bộ Công Thương nhận định.
Bên cạnh đó, với quỹ thời gian ngày càng eo hẹp, người tiêu dùng sẽ ưu tiên những thứ tiện lợi, lựa chọn các phương thức mua hàng hiệu quả, không tốn nhiều thời gian. Với những lý giải đó, đại diện ngành Công Thương nhận định thương mại điện tử sẽ thật sự trở thành công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, người tiêu dùng có thêm một phương thức mua sắm hiện đại, hiệu quả.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, các phương thức thương mại hiện đại, xu hướng tiêu dùng mới chưa thể thực sự khởi sắc và phát huy hết ưu điểm nếu người tiêu dùng vẫn phải sử dụng tiền mặt như một công cụ chính trong quá trình mua hàng. Thanh toán điện tử có vai trò thúc đẩy thương mại điện tử, hiện đại hóa ngành dịch vụ bán lẻ tại Việt Nam phát triển đúng với quy mô và tiềm năng của thị trường.
Tuy nhiên, theo khảo sát của Bộ Công Thương năm 2014, thẻ tín dụng chỉ chiếm 7% trong các giao dịch mua hàng trực tuyến. Tiền mặt (COD) vẫn là phương thức thanh toán phổ biến nhất hiện nay, chiếm 64%.
Ông Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đang nghiên cứu để xây dựng, phát triển một Cổng thanh toán thương mại điện tử quốc gia nhằm cung cấp, hỗ trợ cho các giao dịch trong lĩnh vực này. Kế hoạch tổng thể Phát triển thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 nhằm định hướng, lộ trình phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử 5 năm tới cũng đang được xây dựng. Trong đó, cơ quan nhà nước cũng rất chú trọng việc xây dựng, phát triển các tiện ích và hệ thống quản lý thanh toán thương mại điện tử quốc gia.
Sáng 16/12/2015 tại Hà Nội, Báo điện tử VnExpress và Ngân hàng Nhà nước đã đồng tổ chức Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF 2015), với sự tham gia của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Thế giới và 20 diễn giả là các nhà lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành đến từ lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bán lẻ, thương mại điện tử và công nghệ thông tin. Với hai chủ đề chính: Thanh toán điện tử hỗ trợ dịch vụ công & doanh nghiệp và Thanh toán điện tử trước xu hướng tiêu dùng mới, VEPF 2015 là dịp các bên liên quan thảo luận, tìm kiếm giải pháp phối hợp hành động nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử phát triển, hướng tới mọi đối tượng trong xã hội có thể tiếp cận dễ dàng các dịch vụ tài chính. Độc giả có thể truy cập địa chỉ http://vepf.vnexpress.net để cập nhật thông tin về Diễn đàn VEPF. Đối tác phối hợp thực hiện Diễn đàn là Công ty Chuyển mạch Tài chính Quốc gia (Banknetvn) và các đơn vị tài trợ: Vietcombank, VietinBank, Sacombank, TPBank, MasterCard, Visa, JCB, Vietbank và VnPay. |
Ngọc Tuyên