Ngày 6/9, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp thẩm tra báo cáo về công tác tư pháp của Chính phủ, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cho biết, nguyên nhân sâu xa, cội nguồn của vụ việc vẫn là những vấn đề kinh tế xã hội của đồng bào trong vùng; phân hóa giàu nghèo; quản lý đất đai; xây dựng hệ thống chính trị và cuối cùng là một số nội dung khác về quản lý an ninh trật tự ở cơ sở.
Bộ Công an trước và sau khi xảy ra vụ khủng bố đã có nhiều văn bản tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nội dung này. "Đã có cuộc họp cấp ủy với 10 tỉnh khu vực Tây Nguyên, từ đây nhận rõ nguyên nhân và có kết luận của Ban Bí thư", ông Tỏ nói.
Vụ tấn công trụ sở UBND xã Ea Ktur và Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) xảy ra rạng sáng 11/6, do hai nhóm người trang bị súng, vũ khí tự chế thực hiện. Bọn chúng sát hại 9 người là Bí thư xã Ea Ktur, Chủ tịch xã Ea Tiêu, 4 công an và 3 người dân; làm hai công an và nhiều người khác bị thương. Bộ Công an xác định đây là vụ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và có sự tiếp tay, chỉ đạo từ nước ngoài. Trong số các bị can có một người là thành viên của tổ chức có trụ sở tại Mỹ, nhận lệnh xâm nhập Việt Nam và thực hiện vụ tấn công.
Cơ quan điều tra đã bắt giam hơn 90 người về các tội: Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; Không tố giác tội phạm; Môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Trước đó, trình bày báo cáo tại phiên họp toàn thể, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp bày tỏ lo ngại về vụ khủng bố đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe của cán bộ, người dân; ảnh hưởng rất lớn đến an ninh, chính trị địa phương. Nhóm nghiên cứu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường quản lý nhà nước, triển khai các giải pháp tổng thể, nắm chắc tình hình, rút kinh nghiệm để phòng ngừa không để xảy ra vụ việc tương tự.
Thảo luận về nội dung này, ông Dương Khắc Mai (đại biểu tỉnh Đăk Nông) đánh giá nguy cơ về mất an ninh tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung và biên giới, vùng sâu, vùng xa nói riêng vẫn còn lớn. Những khu vực này hầu hết đều rất rộng, địa hình phức tạp, chia cắt, nhiều tỉnh giáp biên giới, dân số thưa thớt trong khi dân di cư không theo kế hoạch nhiều.
Đây cũng là nơi thường được các loại tội phạm lựa chọn để lẩn trốn, tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng, có trường hợp "trốn vào đó đến mấy chục năm". Nguy cơ xảy ra mất an toàn, phát sinh các loại tội phạm rất cao, song lực lượng chức năng mỏng, điều kiện, cơ sở vật chất còn hạn chế.
Đại biểu Mai kiến nghị thông qua việc xây dựng luật về lực lượng an ninh cơ sở, Bộ Công an cần kiện toàn, đặc biệt ở khu vực trọng điểm để phòng chống các loại tội phạm hiệu quả hơn, ngăn chặn từ sớm, từ xa nguy cơ tương tự như ở Đăk Lăk.
Trong khi đó, đại biểu Đinh Văn Thê (Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai) lại lo ngại về công tác quản lý vũ khí quân dụng. Từ vụ việc ở Đăk Lăk, ông cho rằng công tác quản lý, kiểm tra, giám sát về việc mua bán hàng cấm, vũ khí còn diễn ra tràn lan. Ngoài ra, vừa qua một số địa phương phát động "đổi gạo lấy vũ khí" thì phát hiện vũ khí trái phép trong dân rất nhiều; thậm chí có loại còn rất mới chứ không phải thời chiến tranh để lại.
"Tại sao một khối lượng lớn vũ khí 'nóng' như thế được tuồn vào, hình thành các vụ chống người thi hành công vụ, sát thương cán bộ?", ông Thê đặt vấn đề, đồng thời đề nghị ngành công an, chính quyền địa phương cần siết chặt công tác quản lý hơn.