Ngày 7/2, phát biểu tại phiên họp Thường vụ Quốc hội về báo cáo công tác dân nguyện, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải bày tỏ lo ngại về thực trạng tội phạm lừa đảo trên mạng. Hành vi của chúng được tổ chức có hệ thống, rất chặt chẽ, từ người viết kịch bản tới người thực hiện.
Bà Hải đánh giá cao việc Bộ Công an và công an các tỉnh thành đã triệt phá những băng nhóm trong thời gian qua, như vụ án do Công an Bắc Ninh vừa triệt phá có đến 13.000 người, bắt hàng chục nghi phạm.
"Tôi đang ở nhà với bố mẹ thì có người gọi điện đến cho bố mẹ, nói 'ông bà chưa nộp tiền điện, mời ông bà liên hệ người này nộp ngay, nếu không chúng tôi sẽ cắt điện'. Việc này xảy ra thường xuyên. Bố mẹ tôi sợ, phải về ngay không cắt điện", bà Hải kể, cho biết trong vụ này tội phạm đã phân vai người giả công an, người mạo danh nhân viên điện lực, ngân hàng để phối hợp đưa người dân vào bẫy.
Bà Hải đề nghị ngành công an cần tuyên truyền, công khai các thủ đoạn lừa đảo của loại tội phạm này để người dân biết và tránh. "Trong vụ Công an Bắc Ninh triệt phá, số tiền bị chiếm đoạt lên tới cả nghìn tỷ đồng là rất lớn. Nếu các vụ việc như vậy mà người dân không quan tâm nhiều thì vẫn tiếp tục bị lừa đảo", bà Hải nói.
![Thứ trưởng Công an Trần Quốc Tỏ phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Media Quốc hội](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/07/202502071144350506-dsc-2228-17-3789-8221-1738905440.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MfvElWNP4qq_KELVM7MIWA)
Thứ trưởng Công an Trần Quốc Tỏ phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Media Quốc hội
Trả lời nội dung này, Thứ trưởng Công an Trần Quốc Tỏ đồng tình đây là vấn đề nan giải, mang tính toàn cầu với tính chất là sử dụng công nghệ cao, thủ đoạn đa dạng, phối hợp câu kết trong và ngoài nước. Tuy nhiên, ngành công an đã tập trung trấn áp, phá được nhiều vụ án lớn.
Lý giải số lượng người dân bị lừa nhiều, ông cho biết tội phạm có nhiều biện pháp để che giấu, lẩn trốn trên không gian mạng như sử dụng tài khoản ảo, hộp thư ảo. Ngoài yếu tố khách quan, ông Tỏ cho rằng còn có nguyên nhân là "tính hám lời của người dân" cũng khiến họ dễ bị lừa hơn.
Theo Thứ trưởng, đối với loại tội phạm này, phòng ngừa nghiệp vụ là của lực lượng công an, còn việc phòng ngừa xã hội, công tác tuyên truyền thì cần cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao đợt cao điểm trấn áp tội phạm, triệt phá nhiều đường dây trên không gian mạng, đảm bảo trật tự xã hội, an toàn giao thông được đảm bảo, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí.
Ông cũng đề nghị Bộ Công an nghiên cứu công khai thủ đoạn lừa đảo trên mạng, tuyên truyền cho nhân dân về các thủ đoạn, tác hại; các cơ quan, địa phương tăng cường tuyên truyền thấy rõ tính chất của tội phạm mạng.