Đề xuất được Thứ trưởng Bùi Thế Duy nêu tại Diễn đàn Nhân lực ngành ngân hàng trước làn sóng công nghệ ngày 17/6. Ông lấy ví dụ trong ngành ngân hàng, các nhà băng đang đẩy mạnh việc chuyển đổi số, đầu tư cho công nghệ. Sinh viên mới ra trường muốn vào làm ngân hàng phải hoàn thiện kỹ năng về tổng hợp thông tin, phân tích dữ liệu và sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Nếu không hiểu hệ thống số, an ninh bảo mật, người mới đi làm khó tư vấn cho khách hàng. "Khi nhu cầu nhân lực yêu cầu những kỹ năng đó mà các trường đại học không thay đổi toàn bộ chương trình đào tạo, sẽ không có người đến học", ông nói.
Trong Chiến lược phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo quốc gia, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ đã khuyến nghị tất cả trường đại học, cao đẳng phải thay thế môn Tin học cơ sở (Word, Excel) bằng chương trình phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và kỹ năng prompting. "Những kiến thức tin học cơ bản cần được dạy sớm, từ cấp tiểu học. Còn bậc đại học, nếu không đào tạo năng lực số chuyên sâu, sinh viên sẽ không đủ năng lực cạnh tranh", ông Bùi Thế Duy nói.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu tại diễn đàn ngày 16/7. Ảnh: BTC
Ông chia sẻ, năm 2007 khi tham gia chuyến công tác sang Nhật Bản, ông đã được sắp xếp thăm một nhà máy thép quy mô rất lớn. Tuy nhiên, nước bạn lại đưa đoàn đến thăm bộ phận công nghệ thông tin. Tất cả vấn đề kỹ thuật - từ điều chỉnh quy trình sản xuất, giám sát chất lượng đến vận hành thiết bị - đều được xử lý tại đây thông qua phần mềm và hệ thống điều khiển tự động.
Sau đó, họ mới đưa đoàn đi tới khu vực sản xuất không một bóng người, các sản phẩm đều được làm tự động. "Đó là lúc tôi nhận ra nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp nặng đang dịch chuyển mạnh mẽ. Lực lượng then chốt vận hành nhà máy là các chuyên gia công nghệ thông tin", Thứ trưởng nói.
Ông cũng thường xuyên theo dõi chương trình học của một số sinh viên ngành kinh doanh tại Hà Lan, và bất ngờ khi biết từ năm thứ nhất, hơn 50% nội dung ngành kinh doanh là lập trình và phân tích dữ liệu. Hà Lan cũng thêm vào chương trình học SQL, ngôn ngữ R từ năm nhất - những môn sinh viên năm cuối ở Việt Nam mới được tiếp cận. Trong 3 năm đầu, hầu hết môn học đều tích hợp kỹ năng lập trình và xử lý dữ liệu.
Việt Nam đang đối mặt nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực khoa học công nghệ. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2024, chỉ 9% và 12% thí sinh nhập học đại học vào các ngành Công nghệ kỹ thuật, Máy tính và Công nghệ thông tin. Trong khi đó, phó giáo sư Trần Đình Phong (Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội) nhận định lực lượng nghiên cứu hiện tại chỉ đáp ứng một nửa mức trung bình của các nước thu nhập trung bình cao.
Theo chia sẻ trước đó của Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, Ban chỉ đạo 57 đã quyết định giao xây dựng và thông qua Luật Chuyển đổi số trong kỳ họp thứ 10 của Quốc hội cuối năm nay. Luật xác định phát triển nhân lực, kỹ năng số, coi ngôn ngữ số như ngôn ngữ thứ ba bên cạnh tiếng Việt để giữ gìn bản sắc và tiếng Anh để hội nhập, để mỗi người Việt Nam thành thạo ba ngôn ngữ này như biết đọc, biết viết.
Trọng Hiếu