-
10h30
Thứ trưởng Bùi Thế Duy: 'Sinh viên đại học nghiên cứu khoa học tốt nhất'
Trước khi kết thúc phiên tọa đàm, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đưa lời khuyên cho các bạn trẻ và chia sẻ về chính sách của Bộ Khoa học và Công nghệ để thúc đẩy sáng kiến khoa học trong giới trẻ.
Lấy ví dụ về khoa Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, ông Duy cho biết, các thầy cô tích cực kết nối với học sinh cũ đã học nước ngoài, tìm cách thu hút người tài về làm cán bộ giảng. Bên cạnh đó, trường cũng tạo điều kiện cho các sinh viên nghiên cứu, có nhiều chương trình cho giảng viên trẻ, tạo sự cạnh tranh, thay đổi môi trường học. Trường cũng kết nối các tập đoàn nước ngoài, tạo điều kiện cho sinh viên làm nghiên cứu. "Sinh viên đại học mới là những người làm nghiên cứu khoa học tốt nhất bởi đa phần người làm thạc sĩ, tiến sĩ giỏi đều ra nước ngoài học", Thứ trưởng cho biết.
Không riêng các trường đại học, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) cũng có nhiều thay đổi, đã giúp các bạn trẻ tự tin tham gia các đề tài. Trước đây, các nhà khoa học phải lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm mới được làm chủ nhiệm đề tài. NAFOSTED đã thay đổi với tiêu chí đưa ra là các công bố mới nhất. Các hội đồng là các tiến sĩ trẻ, tạo cho nhà khoa học trẻ tự tin, mạnh dạn trải nghiệm các đề tài.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng phát triển mô hình viện khoa học công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST), áp dụng mô hình nhà nguyên cứu trên thế giới. Với đội ngũ toàn nhà nghiên cứu trẻ, Bộ kỳ vọng đây sẽ là mô hình điểm để phát triển các viện nghiên cứu trên toàn quốc.
-
10h16
Các doanh nghiệp tìm đến Viện trường để đặt hàng nghiên cứu
Với vai trò là giảng viên tại trường Đại học Việt Nhật kiêm trưởng ban R&D, FECON Corp, TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, doanh nghiệp ông thiên về kỹ thuật xây lắp nền móng công trình, năng lượng tái tạo. Việc đưa nguồn lực, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tế xây dựng doanh nghiệp là vô cùng quan trọng song lại không có lực lượng chuyên gia, đội ngũ nghiên cứu mạnh như tại ở các Viện, trường.
"Ở doanh nghiệp phát triển R&D chúng tôi ưu tiên hướng hợp tác trường và viện nghiên cứu, như đặt hàng với các nhóm nghiên cứu, cung cấp học bổng cho các nhóm kỹ sư, các sinh viên để tạo nguồn lực quay trở lại phát triển chiến lược công ty", TS Dũng nói
Ông Dũng cũng đồng ý với quan điểm TS Phi Lê rằng doanh nghiệp cần phải kết nối với các nhóm nghiên cứu mạnh tại viện, trường, còn doanh nghiệp tài trợ để thực tiễn hóa sản phẩm, qua đó giúp tìm và đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Khẳng định vai trò gắn kết giữa trường đại học và doanh nghiệp, PGS. TS Phạm Hùng Quý cho biết, trong 5 năm gần đây việc họ phát triển mô hình đưa tiến sĩ về trường giảng dạy vừa tham gia làm việc tại tập đoàn để có kinh nghiệm thực tế.
Trong khi đó, ông Đặng Kim Long, đại diện Huawei Việt Nam đặt vấn đề tại sao các trường đại học không tìm đến các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp lớn để đặt hàng nghiên cứu. Ông cho biết mỗi doanh nghiệp không thể nắm được rõ hết mỗi trường cần gì cho nên cần chủ động đặt hàng doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ tích cực cho các sinh viên, viện trường nếu như có đề xuất cụ thể.
Bên cạnh đó, bản thân các trường cần tạo sân chơi cho sinh viên trường mình tham gia hơn nữa, đưa sinh viên "nhúng mình" vào doanh nghiệp. Trong khoa học công nghệ việc tạo ra mạng lưới kết nối và hợp tác là vô cùng quan trọng. "Tận dụng hợp tác chia sẻ là cách thức tạo lồng ấp cho doanh nghiệp và nhà khoa học trẻ hiện nay", ông nói.
-
10h15
Khuyến khích các bạn trẻ nghiên cứu về khoa học sau đại học
Theo PGS Phạm Bảo Sơn, mặc dù các công trình, các công bố về nghiên cứu khoa học tăng lên, song thực tế, các sản phẩm nghiên cứu của Việt Nam vẫn tồn tại dưới dạng mô hình, chưa thoát khỏi phòng thí nghiệm và phòng nghiên cứu. Ngay cả trong ngành công nghệ, Việt Nam chỉ tham gia việc gia công, đóng góp nhân lực...
Câu hỏi đặt ra cho ông Đặng Kim Long - Giám đốc Đối ngoại Huawei Việt Nam về sự hỗ trợ của Huawei cho các bạn trẻ sáng tạo? Chia sẻ về quan điểm này, ông Long cho biết, Huawei hiện có 14 trung tâm R&D trên toàn cầu. Việc đặt một trung tâm dựa trên thế mạnh của quốc gia đó là gì. Tiêu biểu, Huawei đặt trung tâm nghiên cứu thuật toán, toán học tại Nga bởi đây là cái nôi của Toán học nên thu hút nhiều nhà toán học của Nga và toàn cầu đến làm việc hay trung tâm mỹ học ở Pháp với thế mạnh về thời trang, thiết kế hay nghiên cứu sóng viba tại Thụy Điển. Huawei mong muốn Việt Nam sẽ phát huy thế mạnh ICT để nhìn thấy tiềm năng và đặt trung tâm tại Việt Nam. Giai đoạn trước mắt, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực ICT đồng thời tạo sân chơi cho các bạn trẻ có điều kiện phát triển; trang bị đào tạo kỹ năng, kiến thức cho họ.
Tiếp theo, anh Nguyễn Minh Quân cho biết, Samsung là một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới, đi đầu về khoa học công nghệ. Anh Quân cho rằng, Việt Nam là thị trường quan trọng của khoa học công nghệ. Cụ thể, nhà máy của Samsung ở Thái Nguyên, Bắc Ninh có quy mô rất lớn.
Đại diện Samsung cho rằng, những kỹ sư Việt Nam rất giỏi, phát triển ứng dụng cho Việt Nam, phục vụ cho thị trường quốc tế. Với Samsung, yếu tố con người luôn là trọng tâm. Về phương diện toàn cầu, tập đoàn có các các chương trình tiếp cận với các bạn trẻ trên 30 quốc gia. Vào năm 2021, Samsung triển khai nhiều chương trình, mang tới những kiến thức về khoa học cho các bạn trẻ về công nghệ 4.0. Điều này giúp các bạn có thể sẵn sàng cho kỷ nguyên số trong tương lai mới, sẽ diễn ra nhanh chóng tại Việt Nam.
Tiếp tục phiên thảo luận, TS Nguyễn Phi Lê - Giám đốc điều hành trung tâm BK.AI, giảng viên trường CNTT và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội nói tiếp về những khó khăn của các nhà nghiên cứu, khó khăn về điều kiện nghiên cứu. Chị Phi Lê cũng chia sẻ thêm về vai trò của doanh nghiệp. Chị cho biết, nghiên cứu cần đi từ bài toán thực tế, doanh nghiệp sẽ đưa ra bài toán, nhà khoa học nghiên cứu để có lời giải; khuyến khích bạn trẻ nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh nghiên cứu sau đại học.
Chị Phi Lê cho rằng, thực tế đang thiếu những bạn trẻ say mê nghiên cứu khoa học sau đại học. Điều này xuất phát tù truyền thống của người Việt. Thông thường, bố mẹ nuôi ăn học hết đại học, sau đó các bạn sẽ đi làm, tự lập. Ở nước ngoài, có nhiều quỹ học bổng trao cho sinh viên sau đại học, giúp các bạn trẻ yên tâm để nghiên cứu. Việt Nam cũng cần có nhiều quỹ để hỗ trợ các nhà khoa học trẻ.
-
9h50
TS Nguyễn Phi Lê: '10-20 năm trước sinh viên không biết phòng nghiên cứu là gì'
Với vai trò điều hành phiên tọa đàm, PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cùng các diễn giả tháo gỡ các nút thắt xoay quanh những thuận lợi, khó khăn của những người nghiên cứu trẻ, tìm ra họ cần hỗ trợ gì từ những doanh nghiệp dẫn dắt.
PGS. TS Phạm Bảo Sơn cho biết, sự phát triển của khoa học công nghệ 4.0, một lực lượng nghiên cứu trẻ được hình thành và kết nối mạnh mẽ thông qua các mạng lưới trí thức. Bởi vậy làm thế nào để khơi nguồn sáng tạo trong cộng đồng khoa học trẻ Việt Nam - chủ đề buổi tọa đàm vô cùng quan trọng, cũng là bước triển khai chiến lược Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc thúc đẩy nhà khoa học trẻ phát huy tính sáng tạo.
Trả lời câu hỏi về những thuận lợi và khó khăn đối với nhà nghiên cứu trẻ, TS Nguyễn Phi Lê - Giám đốc điều hành trung tâm BK.AI, giảng viên trường CNTT và Truyền thông, Đại học Bách khoa HN - hiện nay đội ngũ trẻ có khá nhiều những thuận lợi khi sự quan tâm tới nghiên cứu khoa học đã cụ thể hơn nhiều. Cô cho biết so với 10-20 năm trước đây, các sinh viên gần như không có khái niệm về phòng nghiên cứu. Nhưng hiện tại, sinh viên năm nhất, năm hai đã xin gia nhập. "Tôi cho rằng đây là một tín hiệu đáng mừng", TS Lê nói. Cô cho biết một thuận khác dễ thấy là môi trường nghiên cứu ngày càng tốt hơn với sự phát triển công nghệ khi các nhà khoa học kết nối với nhau trên thế giới và bản thân các nhà khoa học trẻ được đào tạo bài bản và có năng lực.
Tuy nhiên TS Lê cho biết lượng nghiên cứu trẻ vẫn mỏng và ít. "Khi đội ngũ quá mỏng, chúng ta sẽ thấy đơn độc "một mình một ngựa". Bên cạnh đó những hạn chế trong vấn đề máy móc tốn kém, ví dụ trong lĩnh vực IT, ngành hóa, thiết bị tự động cũng khiến nhiều sáng chế bị chậm đưa vào thực tế.
Theo quan điểm của TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban R&D, FECON Corp; Giảng viên kiêm điều phối chương trình Thạc sĩ kỹ thuật hạ tầng, Trường Đại học Việt Nhật, bên cạnh việc đầu tư của nhà nước cho nghiên cứu khoa học tăng trưởng mạnh, vấn đề công nghệ thông tin phát triển mạnh cũng giúp đỡ kỹ sư, nhà khoa học trẻ có điều kiện nghiên cứu, giao lưu với thế giới. Hiện nay, các bạn trẻ có thể dễ dàng tìm kiếm tài liệu trong kho tài liệu số trên thế giới và tiếp cận với khoa học thực tế sớm hơn. Tuy nhiên, các bạn trẻ cũng chịu nhiều áp lực thành công hơn các bạn đi trước, sản phẩm thành có tính bền vững, bảo vệ môi trường.
Đồng quan điểm với TS Nguyễn Phi Lê và Tiến Dũng, ông PGS. TS. Phạm Hùng Quý - Giảng viên nghiên cứu Đại học FPT cho rằng các phát biểu này đúng cho tất cả đại học. Trong giai đoạn đầu tiên cách đây 5-7 năm, FPT chưa có nghiên cứu, chủ yếu là giảng dạy. Gần đây, FPT mới đây tập trung vào nghiên cứu, thu hút nhiều tiến sĩ trẻ về công tác. Dù vậy, khó khăn lớn vì lực lượng còn yếu, đòi hỏi 3-5 năm mới vững vàng và có nhiều đóng góp hơn cho xã hội.
-
9h23
Ông Trần Mạnh Báo: 'Các bạn trẻ hãy nghiên cứu các sản phẩm cho nông dân Việt Nam'
Sau lắng nghe chia sẻ từ hai đại diện đến từ hai doanh nghiệp, ông Trần Mạnh Báo - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed trình bày chủ đề "Nông nghiệp Việt Nam cần gì từ các nhà khoa học trẻ". Ông Báo cho biết, định hướng Đại hội XII xác định, du lịch, nông nghiệp, kinh tế số là 3 ngành mũi nhọn. Sau khi Covid-19 bùng phát, nông nghiệp thể hiện vai trò với nền kinh tế. Ông ví dụ, sáng nay, Ấn Độ tuyên bố ngừng xuất khẩu lúa mì, lúa mì có thể tăng giá. Ông Báo chia sẻ, các bạn trẻ làm khoa học hãy chọn nông nghiệp, vì dư địa ngành này còn rất lớn.
20 năm trước, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed xác định rằng, ứng dụng khoa học công nghệ là điều tất yếu của nền nông nghiệp Việt Nam. Ông cũng dẫn thông tin cho thấy, trong mọi ngành nghề, các nhà khoa học trẻ là cầu nối để phát triển.
Với quan điểm đó, khi trở thành lãnh đạo Tập đoàn ThaiBinh Seed ông cho thành lập Viện nghiên cứu. Trải qua nhiều năm phát triển, hiện doanh nghiệp ứng dụng nhiều công nghệ mới, trong đó có công nghệ phân tử tạo ra nhiều giống cây trồng trở thành những giống chủ lực trong cơ cấu sản xuất của các địa phương cả nước.
Trải qua nhiều năm phát triển ThaiBinh Seed có nhiều thành tựu nổi bật, trở thành doanh nghiệp hoạt động trên toàn quốc. Tập đoàn luôn khơi dậy tinh thần sáng tạo, mỗi ngày một ý tưởng, ý tưởng tốt, triển khai thành công sẽ có thưởng.
Tổng GĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed sinh ra tại tỉnh Thái Bình. Ông từng vào chiến trường. Khi từ chiến trường trở về, ông trăn trở, bản thân cần làm gì để đóng góp xây dựng đất nước. Ông cho rằng, với các bạn trẻ, việc xác định đường đi, hoài bão là quan trọng. Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng nên suy nghĩ tích cực. Bản thân từng bị ông bị thương 3 lần nhưng chưa bao giờ khuất phục trước khó khăn.
"Người thành công luôn có lỗi đi riêng, các bạn trẻ không nên chùn bước, không viển vông, không ngừng học tập", ông Báo cho biết. Bản thân ông Báo, việc học ngoại ngữ, tin học đều không đến trường lớp, tuy nhiên nhờ tinh thần học tập cao, ông vẫn có cơ hội học tập, tham dự nhiều sự kiện tại nhiều nơi trên thế giới.
Ông Báo kiến nghị, Nhà nước thống nhất xây dựng chính sách, cơ chế hợp tác giữa cơ sở khoa học của Nhà nước với doanh nghiệp để làm căn cứ cho sự kết nối, chuyển giao khoa học công nghệ có hiệu quả hơn.
Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà khoa học trẻ hoạt động, nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp; ưu tiên đầu tư đào tạo nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật cho nông nghiệp; đầu tư nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Cuối bài phát biểu, ông Báo khuyên, các bạn trẻ hãy nghiên cứu các sản phẩm cho nông dân Việt Nam.
-
09h18
Bà Nguyễn Thị Hương Liên: 'Doanh nghiệp cần khuyến khích thế hệ trẻ đổi mới sáng tạo'
Là một nhà nghiên cứu và điều hành doanh nghiệp chuyên đầu tư vào sản xuất kinh doanh các sản phẩm khoa học công nghệ, bà Nguyễn Thị Hương Liên, đồng sáng lập, Phó chủ tịch Sao Thái Dương, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học công nghệ Việt Nam nhận thức rõ về vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp Việt trong phát triển sản phẩm từ nghiên cứu khoa học.
Dẫn lại câu chuyện bản thân từ 30 năm trước khi còn là sinh viên với những lần tham gia nghiên cứu khoa học có cả những thất bại, thành tựu nhỏ mỗi ngày và sự động viên khích lệ, các phần thưởng của các nhà tài trợ từ các cá nhân, doanh nghiệp đã bồi đắp cho bà ước mơ sáng tạo.
Khi có điều kiện hơn, bà tham gia các hoạt động ý nghĩa để khuyến khích các nhà khoa học trẻ như sáng lập Quỹ hỗ trợ sinh viên Đại học dược Hà Nội, trao phần thưởng, đặt hàng trung tâm viện nghiên cứu và chuyển giao công nghệ nhằm thương mại hóa sản phẩm.
Bà cho biết, từ việc ứng dụng công nghệ mới, trong đại dịch Covid-19, Sao Thái Dương có nhiều sản phẩm như Gel sát khuẩn, Nước súc miệng, Xịt mũi họng, dầu gừng...
Sao Thái Dương sở hữu 17 sáng chế và giải pháp hữu ích lĩnh vực y tế; được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận Doanh nghiệp KHCN năm 2016; Giải vàng CLQG 2020; Giải thưởng của UN- Women 2020; xuất khẩu sản phẩm thảo dược tới Mỹ, Anh, Đức, Nga và Trung Quốc.
Dẫn lời phát biểu của Bộ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt tại Techfest 2021, bà Hương Liên cho biết các sáng kiến, giải pháp, dự án ĐMST, khởi nghiệp sáng tạo càng phải thể hiện được vai trò tiên phong trong giải quyết những vấn đề của kinh tế xã hội trên nền tảng phát huy tính tự chủ, sáng tạo, đổi mới của Việt Nam, mà đại diện thế hệ trẻ.
"Chúng tôi luôn chào đón những ý tưởng đổi mới sáng tạo, những nghiên cứu mới có thể đưa ra sản phẩm hữu ích phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân", bà nói.
-
8h55
Ông Đặng Kim Long: 'Đầu tư nhân tài không phải quả ngọt hái một đêm'
Là diễn giả đầu tiên của phiên chính, ông Đặng Kim Long - Giám đốc đối ngoại, Huawei Việt Nam chia sẻ câu chuyện về việc thúc đẩy R&D công nghệ mới trong thế hệ trẻ. ông Long giới thiệu về mô hình của công ty Huawei Việt Nam và cách doanh nghiệp thúc đẩy các bạn trẻ nghiên cứu khoa học.
Ông cho biết, Huawei coi R&D là cuộc đua marathon, cần được đầu tư liên tục. Hiện nay, việc đổi mới thúc đẩy đầu tư tập trung 3 lĩnh vực chính là khám phá lý thuyết cơ bản, kiến trúc cấu trúc hệ thống, thu hút nhân tài, cùng công ty giải quyết thách thức mang tầm quốc tế. Trong đó, việc thu hút nhân tài là một trong những bài toán mà doanh nghiệp luôn trăn trở. "Việc đầu tư nhân tài không phải là hái trái ngọt trong một đêm mà là hành trình dài", ông Long nhấn mạnh.
Trong quá trình phát triển, Huawei nhất quán không tạo áp lực cho nhà khoa học mà cần tạo ra sân chơi cho các nhà nghiên cứu phát triển. Do đó, công ty cam kết tạo đủ nguồn lực và tài chính để hỗ trợ các nhà khoa học khám phá và sáng tạo khoa học.
Để thu hút, nuôi dưỡng, phát triển nhân tài, Huawei triển khai nhiều hoạt động trên toàn cầu. Đầu tiên là chương trình học bổng Vietnam Seeds for Future, triển khai ở trên 130 quốc gia. Hơn 9.000 sinh viên cùng tham gia chương trình đào tạo 2 tuần tại trụ sở công ty. Họ sẽ được tìm hiểu về công nghệ mới như AI, Big Data... từ đó khuyến khích các sinh viên tìm hiểu sâu hơn về khoa học. Tại Việt Nam, công ty đã triển khai từ năm 2015, đào tạo 96 sinh viên xuất sắc.
Thay vì tài trợ bằng tiền, Huawei Việt Nam tạo ra sân chơi cho các bạn sinh viên bằng cách tổ chức cuộc thi "Sáng tạo ứng dụng di động", tổ chức trong 2 năm 2013-2015, tổng giá trị giải thưởng 100.000 USD. Qua cuộc thi, công ty nhận thấy tiềm năng của các bạn sinh viên Việt Nam.
Học viện ICT Huawei được coi là mảnh đất nơi các bạn sinh viên là người nông dân thoải mái trồng cấy. Công ty sẽ cung cấp hạt giống, điều kiện và kỹ năng để các bạn sinh viên.
-
8h53
Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, Hội nghị các nhà khoa học trẻ (Young Scientist Summit) là sự kiện do VnExpress tổ chức, chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5/2022). Ngày 18/5 là mốc để thúc đẩy, động viên những người làm khoa học, các bạn trẻ tiềm năng, yêu mến khoa học. Vào ngày này hàng năm, các trường, viện nghiên cứu cứu mở cửa cho các nhà khoa học, bạn trẻ đến tham quan, học hỏi.
Thứ trưởng cho rằng, Việt Nam trải qua các giai đoạn phát triển mạnh mẽ, hiện nay đến giai đoạn cần bứt phá dựa trên phát triển từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Để làm được điều đó, có rất nhiều điều phải làm, trong đó phải chuẩn bị nguồn nhân lực từ sớm, từ xa, đào tạo từ các trường THPT, thậm chí từ mẫu giáo để đưa niềm đam mê sáng tạo, khám phá tới từng học sinh. Chỉ như vậy, trong tương lai mới có nguồn nhân lực mới góp phần sự phát triển của đất nước.
Ông ví dụ về sự kiện Sputnik năm 1957, Liên Xô (cũ) chứng minh được nền khoa học vượt trội khi phóng vệ tinh đầu tiên của loài người lên quỹ đạo. Sau đó Mỹ phản ứng lại một cách tích cực và kéo theo sự phát triển khoa học công nghệ trên toàn thế giới, bằng việc ra các đạo luật, đưa niềm đam mê sáng tạo tới từng học sinh, tăng cường hàng loạt nghiên cứu tại trường đại học.
Cho rằng Việt Nam đang đứng trước cuộc cạnh tranh chiến lược về công nghệ. Ông đánh giá cao các tập đoàn công nghệ, doanh nghiệp đã tạo ra tinh thần khơi dậy các nhà khoa trẻ, truyền cảm hứng để thúc đẩy khoa học trẻ. Ở cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 5 với trí tuệ nhân tạo, với 5G đang tiếp tục cần thiết phải khơi dậy đổi mới sáng tạo ngay từ trường THPT, những người trẻ, để thúc đẩy khoa học cơ bản, tự nhiên.
Ví dụ thứ hai, Thứ trưởng cho biết, nhiều người tham dự sự kiện hôm nay cùng thế hệ ông, 20 năm trước, trong các cuộc thi khoa học chủ yếu đến từ các thành phố lớn, học sinh tỉnh lẻ tiếp xúc với khoa học khó khăn. Nhưng, 10 năm trở lại đây, có sự thay đổi lớn, học sinh giỏi đến từ mọi miền của tổ quốc, từ các huyện nghèo, các em cạnh tranh sòng phẳng với các bạn đến từ thành phố lớn. Ông cho rằng, đây cần trở thành một ví dụ để Việt Nam thông qua môi trường số, internet có thể cạnh tranh với các nước phát triển trên thế giới.
Thứ trưởng đánh giá, sự kiện Hội nghị các nhà khoa học trẻ 2022 với chủ đề "Thúc đẩy sáng kiến khoa học trong giới trẻ" mang tính khích lệ, với thế giới phẳng trong bối cảnh cạnh tranh khoa học trên toàn thế giới, giúp người trẻ có động lực quan tâm đến khoa học công nghệ, đến khoa học tự nhiên thay vì chỉ hướng tới thương mại, kinh tế như trước đây.
-
08h40
Hàng trăm khách mời tham dự chương trình
Hội nghị các nhà khoa học trẻ bắt đầu với tràng pháo tay của khách mời sau lời phát biểu mở đầu của MC và giới thiệu các đại biểu.
Chương trình có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ; PGS.TS Phan Tiến Dũng - Trưởng ban ứng dụng công nghệ - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Lãnh đạo các trường Đại học có hoạt động nghiên cứu khoa học cũng có mặt tại sự kiện như PGS.TS Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Chử Đức Trình - Phó hiệu trưởng Trường Đại học công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội; GS TS Phạm Thành Huy - Hiệu trưởng Trường đại học Phenikaa; PGS.TS Tạ Hải Tùng - Viện trưởng viện Công nghệ thông tin và Truyền thông - Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Hội nghị còn có sự hiện diện của đại diện các hiệp hội, tổ chức, trường học, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, các đơn vị đồng hành cùng chương trình, các bạn trẻ yêu khoa học đến từ các trường đại học.
Các đơn vị đồng hành, nhà tài trợ cùng chương trình gồm Quỹ Hy Vọng, Tập đoàn Thái Bình Seed, Huawei Việt Nam, FECON Corp, Samsung Vina.
-
08h30
Các nhà khoa học, sinh viên tham dự Hội nghị các nhà khoa học trẻ
8h, hội trường diễn ra sự kiện Hội nghị các nhà khoa học trẻ 2022 - Thúc đẩy sáng kiến khoa học trong giới trẻ chật kín chỗ ngồi. Thành phần tham dự gồm các nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp.
Anh Nguyễn Minh Đức, 33 tuổi, Viện nghiên cứu hệ Gen, thuộc viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có mặt tại sự kiện lúc 8h. Anh Đức cho biết, trong 2 năm dịch Covid-19 diễn ra, bản thân thường xuyên tham gia các sự kiện khoa học online. Sau khi dịch tạm lắng, anh biết đến sự kiện Hội nghị các nhà khoa học trẻ 2022 - Thúc đẩy sáng kiến khoa học trong giới trẻ. Sự kiện là nơi kết nối, sân chơi, môi trường chung để các nhà khoa học liên kết với nhau.
Bản thân anh là người nghiên cứu, học tập tại nước ngoài, rất mong muốn có cơ hội giao lưu với các nhà khoa học trẻ trong nước. Anh đánh giá, sự kiện mang ý nghĩa lớn. Tại đây, các nhà khoa học, người làm nghiên cứu có thể thẳng thắn chia sẻ, cùng tiếp xúc với đề tài dự án, thêm ý tưởng sáng tạo khoa học, giúp giải quyết những vấn đề thiết thực của cuộc sống.
Tham dự sự kiện từ sớm, chị Đặng Thảo Yến Linh đến từ Viện ứng dụng công nghệ kỳ vọng có thể gặp gỡ, trao đổi cùng các nhà khoa học trẻ trên khắp cả nước. Cũng là một nhà nghiên cứu trẻ, chị mong muốn kết nối, tìm hiểu thông tin để phục vụ nghiên cứu về sau. Biết đến sự kiện qua các bài báo đăng trên VnExpress, chị Linh đánh giá cao chương trình vì có thể được nghe các bài tham luận, ý kiến của các chuyên gia nổi tiếng. Nội dung chương trình khiến chị tò mò, mong muốn đến sự kiện để tìm hiểu các thông tin mới.