Là người đầu tiên chất vấn, ông Đỗ Văn Đương nêu 5 vụ án nghi có dấu hiệu oan sai đang được quan tâm. "Bản án tử hình với Hồ Duy Hải tuyên từ năm 2005 có oan không? Bị án có đơn thi hành án sớm tại sao đến nay hoãn thi hành? Hình phạt tử hình về tội giết người với Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Phòng đã đúng chưa? Cùng tội hiếp dâm và giết người sao với Lê Bá Mai thì áp dụng án chung thân còn với Hàn Đức Long là tử hình", ông Đương đặt một loạt câu hỏi.
Với đại diện VKSND, đại biểu Đương nêu: "Vì sao ông Nguyễn Thanh Chấn kêu oan không phạm tội giết người đã nhiều năm mà chỉ khi có người ra đầu thú, Viện mới xem xét và ra kháng nghị đề nghị minh oan cho ông này?". Với vụ án Huỳnh Văn Nén, vị đại biểu nêu "từ năm 2000 đã có đơn tố cáo chỉ ra 2 người khác mới là thủ phạm nhưng sau hơn 10 năm mới có kháng nghị giám đốc thẩm".
Cùng vấn đề oan sai này, với trách nhiệm của Bộ Công an, ông Đương muốn có câu trả lời về việc: "Có việc bức cung, áp dụng nhục hình với những người trên như tố cáo của họ hay không? Quá trình điều tra các vụ án trên có những thiếu sót nào cơ bản? Những thiếu sót này ảnh hưởng thế nào đến tính chất khách quan của vụ án".
Sau ông Đương, bà Lê Thị Nga (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp) trước khi nêu câu hỏi đã cho hay ghi nhận nỗ lực của các cơ quan tố tụng trong thời gian qua nhưng nhận thấy "còn có sự đùn đẩy giữa các cơ quan tổ chức". Bà Nga chất vấn: "Vụ Nguyễn Thanh Chấn giờ giải quyết đến đâu? Nguyên nhân chậm trễ do đâu, giải pháp?".
Nữ đại biểu cũng nhắc tới vụ ông Phan Văn Lá ở Long An bị xử oan về tội Hủy hoại tài sản và mang thân phận bị can suốt 29 năm. "Khi yêu cầu bồi thường thì các cơ quan tố tụng trung ương và địa phương không thống nhất. Tòa tối cao nói trường hợp này do cơ quan điều tra phải bồi thường… Dường như có sự đùn đẩy. Trách nhiệm của chánh án đến đâu", bà chất vấn người đứng đầu ngành tòa án.
Điềm đạm trả lời, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho hay các vụ án được quan tâm này, nhiều cơ quan tố tụng vẫn đang phối hợp để giải quyết. "Mọi việc phải làm thận trọng để đảm bảo nếu oan thì kết luận là oan, nếu có tội thì kết quả cũng phải xác định rõ để không lọt tội phạm", ông Bình nói.
Về vụ án Hồ Duy Hải, Chánh án Bình cho hay đây là án truy xét nên việc thu thập chứng cứ khó khăn. Quá trình hỏi cung bị cáo lúc mới bị bắt có luật sư tham gia giám sát. Tại phiên sơ thẩm, bị cáo đã nhận tội. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo cho rằng có "không phạm tội" nhưng chứng cứ đưa ra không rõ ràng, không làm thay đổi bản chất vụ án nên vẫn bị kết án tử hình.
"Bây giờ đặt ra vấn đề có oan hay không? Qua hồ sơ thì chưa cho thấy có căn cứ kháng nghị, dù có một số thiếu sót khi thu thập tài liệu chứng cứ", ông nói.
Về vụ án Lê Bá Mai và Hàn Đức Long, theo ông Bình mức án khác nhau là do cách áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.
Về việc bà Nga cho rằng có sự đùn đẩy "công an bảo tòa, tòa bảo viện" khi giải quyết bồi thường cho ông Phan Văn Lá, ông Bình cho rằng nếu có thì "cả ba cơ quan đều có lỗi với dân". Theo ông, trong vụ án này là "câu chuyện pháp lý" cần phải xem xét, cần phải có cơ quan trọng tài để xem trách nhiệm thuộc cơ quan nào. "Chúng tôi nghĩ phải sửa đổi luật bồi thường và xác định cơ quan trung tâm làm nhiệm vụ trọng tài, chẳng hạn là Bộ Tư pháp".
Ông Bình trả lời việc bồi thường 10 năm đi tù oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn đang được thực hiện "quyết liệt". Nếu gia đình ông Chấn nộp tài liệu chứng minh xong sẽ giải quyết được ngay. Tòa tối cao đã nhiều lần có văn bản mời ông Chấn lên để thỏa thuận bồi thường.
Khi Chánh án Bình trả lời, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình ngồi cạnh chăm chú lắng nghe và liên tục gật đầu.
Ngay khi ông Bình dừng lời, bà Nga đã nói ngay "vụ án Phan Văn Lá đã rõ ràng đã có đùn đẩy", chứ không phải là "nếu có". Với vụ Hồ Duy Hải, bà quan tâm và muốn có câu trả lời rõ ràng "việc kết tội có đủ căn cứ không?".
Bà cho hay là được phân công trực tiếp nghiên cứu hồ sơ và giám sát nên đã trực tiếp vào trại gặp Hồ Duy Hải, cũng đã tiếp xúc với người thân của bị án này.... Và bà nhận thấy: "Chưa đủ căn cứ kết tội Hồ Duy Hải". Là người nhiều năm nghiên cứu pháp luật, bà Nga đã có bản kiến nghị 10 trang chỉ ra hàng chục điểm sai sót đối với bản án này. "Chúng tôi mong trước khi tử hình một con người cần xem xét kỹ".
Ngay sau đó, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển phiên chất vấn đã đề nghị Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương giải trình thêm về việc điều tra các vụ án này. Ông Vương cho hay, trước thông tin tố cáo có việc dùng nhục hình, cơ quan điều tra đi kiểm tra và thấy "có việc đó". Chẳng hạn vụ án Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên đã có 4-5 cán bộ công an bị xử lý.
Hiện qua xem xét 5 vụ án nổi cộm được đại biểu Đương nêu thì mới có vụ Nguyễn Thanh Chấn được kết luận là oan sai. "Vụ Huỳnh Văn Nén thì có người đã chết, có người trốn khỏi địa phương, có người chỉ nghe nói lại nên chúng tôi phải xem xét kỹ", ông Vương nói.
Theo ông Vương, Bộ Công an vừa nghe báo cáo về vụ án Hồ Duy Hải và "tất cả vẫn cho thấy đây là thủ phạm". Ông Vương nhận thấy để xảy ra vấn đề của những vụ này là "chưa tập trung tôn trọng việc chứng minh khách quan mà chủ yếu tập trung vào lời khai - trọng cung hơn trọng chứng cứ". Khâu thu lượm dấu vết hiện trường còn có thiếu sót. Và nguyên nhân nữa, ông Vương thẳng thắn thừa nhận là do "năng lực và trách nhiệm trong công tác điều tra". "Còn tâm trạng nôn nóng nên xảy ra bức cung nhục hình", Thứ trưởng Bộ Công an nói.
Về vụ án Phan Văn Lá, ông cho rằng trách nhiệm giải quyết thuộc TAND huyện Châu Thành.
Tiếp tục nêu câu hỏi, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền ghi nhận 3 năm qua ngành tòa án có nhiều nỗ lực, nhưng trong xét xử vẫn còn oan sai vì thế ông muốn được biết: "Sau vụ Nguyễn Thanh Chấn còn bao nhiêu vụ oan sai mà chánh án chưa rà soát hết và sẽ rà soát ra sao để chấm dứt oan sai? Có giải pháp đột phá gì để chống oan, chống lọt tội phạm?".
Cả khán phòng im phăng phắc khi ông Bình trả lời trong nhiệm kỳ của ông vừa qua có 35 trường hợp kêu oan, đa phần bị kết án 20 năm, tù chung thân, tử hình. Hiện 24 trường hợp được xác định là kết tội đúng. Những vụ đang được xem lại là của giai đoạn trước. Trong số này chỉ có vụ ông Chấn là oan, số còn lại chưa thể kết luận có oan hay không.
Về chống oan sai, ông Bình đưa ra 3 giải pháp. Đó là thực hiện tốt việc tranh tụng tại tòa, thực hiện tốt nguyên tắc bị can không có trách nhiệm chứng minh mình phạm tội mà việc đó thuộc về cơ quan điều tra. Tiếp theo, tòa án khi xem xét hồ sơ nếu thấy chưa đạt yêu cầu thì phải trả lại, yêu cầu bổ sung. Nếu không điều tra bổ sung được thì tòa tự xác minh. Tòa thấy chưa đủ căn cứ thì sẽ yêu cầu Viện rút cáo trạng. Nếu Viện không rút thì tòa đưa ra xét xử và sẽ tuyên không phạm tội...
"Việc tòa tuyên không phạm tội, tôi cho rằng không nên có suy nghĩ tuyên như vậy sẽ khiến các cơ quan tố tụng có liên quan bức xúc".
Sau nghỉ giải lao, trả lời câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về trách nhiệm của tòa án, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, mỗi cấp tòa án xét xử độc lập. Các tòa sau khi xử xong tự mình "thấy oan thấy sai" thì kiến nghị lên chánh án để kháng nghị. Về xử lý trách nhiệm của thẩm phán, nếu gây oan sai sẽ không được tái bổ nhiệm nhưng còn phải xem việc làm oan do chủ quan hay khách quan. "Nếu cố tình làm oan thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu vô ý thì xem xét trách nhiệm bồi thường", ông trình bày.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng tiếp tục hỏi: "Vậy có thể nói thế này không: Án dù sai từ giai đoạn điều tra, dù do bức cung nhục hình nhưng đã kết tội thì đó là trách nhiệm của tòa án. Việc làm người dân bị oan, cuối cùng đều là trách nhiệm của tòa án, người chịu trách nhiệm cao nhất là chánh án, có phải không?".
Chăm chú lắng nghe, ông Bình đáp "dạ" và nói công dân chỉ coi là có tội khi tòa ra bán án. Việc oan sai dù do cơ quan điều tra hay VKS nhưng khi tòa đã tuyên thì trách nhiệm thuộc về tòa.
Khi tòa chưa xử, nếu điều tra sai thì công an chịu trách nhiệm, còn nếu truy tố sai là VKS. "Tòa sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ nếu được kiểm soát từ đầu dù công an bắt sai, VKS truy tố sai. Nhưng nếu tòa không được phê chuẩn, công an bắt sai thì công an chịu. Tòa sẽ chịu trách nhiệm từ giai đoạn xét xử".
Ngắt lời Chánh án Bình, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho hay: "Xử sơ thẩm nói có tội, nhưng phúc thẩm nói không có tội thì trách nhiệm thuộc về tòa sơ thẩm. Nhưng nếu sơ thẩm tuyên vô tội thì trách nhiệm thuộc về cơ quan truy tố và cơ quan điều tra".
Ông Uông Chu Lưu sau đó yêu cầu trả lời về vụ án Huỳnh Văn Nén và ông Bình đáp: "Đúng là có trách nhiệm của TAND Tối cao và VKSND Tối cao. Đây là vấn đề có liên quan "án tại hồ sơ" tồn tại trước đấy. Giờ trên tinh thần hiến pháp mới dựa trên kết quả tranh tụng". Hiện vụ án đã có quyết định giám đốc thẩm yêu cầu hủy trả hồ sơ điều tra lại. "Việc này kéo dài bao lâu thuộc về công an", Chánh án nói.
Quan tâm ở khía cạnh khác, đại biểu Bùi Mạnh Hùng phát biểu: Nguyên tắc tối cao trong cải cách tư pháp lấy tòa án là trung tâm, xét xử là trọng tâm. Kết quả xét xử dựa vào tranh tụng tại phiên tòa. Hiện nay việc bố trí chỗ ngồi của VKS và luật sư đang thể hiện sự chênh lệch. VKS ngồi ngang với chủ tọa còn luật sư ngồi ngang với bị can bị cáo, như vậy chưa đủ công bằng, dân chủ công khai sẽ khiến ý kiến luật sư chưa được thực sự tôn trọng. "Cách làm đang áp dụng này có vi phạm nguyên tắc tư pháp không?", ông hỏi.
Trả lời đại biểu Hùng, Chánh án Bình cho hay vị trí chỗ ngồi của công tố viên và luật sư đang có nhiều quan điểm khác nhau. VKS nói phải có chỗ ngồi tương xứng với cơ quan công tố, còn luật sư bảo tranh tụng phải công bằng. "Sắp tới đây chúng tôi nghiên cứu xem thực hiện chức năng kiểm sát như thế nào? Nếu anh ngồi công tố mà thực hiện chức năng kiểm sát thì có đúng không", ông nói.
Về câu hỏi của đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, người thi hành công vụ gây oan sai đã hoàn trả bao nhiêu tiền cho ngân sách nhà nước, "dư luận cho rằng không được lấy tiền thuế của dân để bồi thường oan sai thay các cán bộ này?", ông Bình cho rằng hiện chưa xác định được vụ nào lỗi cố ý nên chưa xem xét trách nhiệm hoàn trả.
Phó chủ tịch Uông Chu Lưu đánh giá tại phiên chất vấn sáng nay Chánh án đã thẳng thắn trả lời tuy nhiên còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu trao đổi. Theo kế hoạch vào tháng 4, đoàn giám sát của Quốc hội về án oan sai sẽ báo cáo trước Thường vụ và tháng 5 trình Quốc hội.
Bảo Hà