Đầu tháng 8, nam sinh họ Cao, sống tại thành phố Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc làm giả giấy báo trúng tuyển Đại học Thanh Hoa, một trong những trường đại học danh tiếng nhất Trung Quốc. Vụ này nhận được sự quan tâm của cộng đồng, đặt ra câu hỏi giấy trúng tuyển giả được lấy từ đâu. Ngay sau đó, cảnh sát đã điều tra việc kinh doanh giấy tờ giả mạo.
Đến ngày 19/8, thư trúng tuyển giả vẫn được rao bán trên trang thương mại điện tử Taobao. Nhiều cửa hàng trực tuyến quảng cáo bán giấy báo nhập học đại học, cao đẳng và sau đại học từ các trường như Đại học Sư phạm Đông Bắc (tỉnh Cát Lâm), Đại học Giao thông Thượng Hải (thành phố Thượng Hải).
Một người bán giấu tên cho biết, giấy báo nhập học được chia thành hai loại là đơn lẻ và đóng gói. Giấy đơn sẽ chỉ gồm thư trúng tuyển được thiết kế theo đúng mẫu của nhà trường, giá 200 nhân dân tệ (khoảng 670.000 đồng). Nếu mua phong bì của trường, khách hàng phải trả thêm 200 nhân dân tệ.
Sản phẩm đóng gói gồm thư trúng tuyển, mẫu đăng ký nhập học, bảng câu hỏi gia đình, đơn xin hỗ trợ dành cho hộ nghèo, bán với giá 260 nhân dân tệ (khoảng 870.000 đồng). Khách hàng sẽ nhận thư trúng tuyển với tên của mình, số báo danh, dấu của trường đại học trong vòng một tuần.
Ngày 20/8, đại diện bộ phận An ninh mạng của Alibaba, công ty mẹ của Taobao, cho biết đã đưa ra hình phạt đối với các nhà sản xuất, bản lẻ trực tuyến liên quan đến việc làm giả giấy tờ và thông báo cho chính quyền. Đại diện Alibaba khẳng định công ty không chấp nhận việc buôn bán hàng giả, cho phép khách hàng báo cáo các gian hàng vi phạm.
Một ngày sau, Taobao không hiển thị kết quả tìm kiếm "thư nhập học" hay các ký tự liên quan đến văn bằng.
Nhiều học sinh mua thư trúng tuyển giả để làm hài lòng bố mẹ. Số khác sử dụng để giả mạo danh tính, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ding Jinkun, luật sư tại công ty Luật Thượng Hải Dabang, thành phố Thượng Hải, cho rằng việc giả mạo con dấu là hành vi phạm tội nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội. "Những người làm giả con dấu, giấy tờ rồi đem bán cần bị điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật", ông Ding nói.
Luật pháp Trung Quốc quy định người làm giả giấy tờ, con dấu bị giam giữ 5-15 ngày, phạt tiền 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3 triệu đồng). Trường hợp nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị phạt tù 3 năm.
Trường hợp nam sinh họ Cao, cảnh sát xác nhận không có dấu hiệu phạm tội, do muốn khoe khoang với gia đình. Nam sinh này chỉ nhận hình thức phạt cảnh cáo.
Tú Anh (Theo China Daily, Fonow)