Sóng được Xuân Quỳnh sáng tác nhân chuyến đi thực tế ở biển Diêm Điền, nói về tâm trạng, tình yêu mãnh liệt của người con gái khi yêu. Bài thơ được viết khi tác giả đã nếm trải sự đổ vỡ trong tình yêu.
Sóng in trong tập Hoa dọc chiến hào, được sử dụng trong chương trình Văn học bậc THPT hơn 20 năm nay.
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Theo GS Trần Đăng Xuyền trong sách Giảng văn Văn học Việt Nam (Nhà xuất bản Giáo dục, 1998), trong số nhà thơ Việt Nam hiện đại, Xuân Quỳnh là một trong số những người xứng đáng được gọi là nhà thơ của tình yêu. Bà viết nhiều, viết hay về tình yêu, trong đó Sóng là bài thơ đặc sắc và tiêu biểu.
Đến với Xuân Quỳnh, thơ Việt Nam hiện đại mới có được một tiếng nói bày tỏ trực tiếp những khát khao tình yêu vừa hồn nhiên, chân thật, vừa mãnh liệt, sôi nổi của một trái tim phụ nữ.
Những câu thơ mở đầu là trạng thái tâm lý đặc biệt của tâm hồn đang khao khát yêu đương, đang tìm đến một tình yêu rộng lớn hơn. Xuân Quỳnh đã diễn tả thật cụ thể trạng thái khác thường, vừa phong phú, vừa phức tạp trong trái tim khao khát tình yêu.
Nỗi khát vọng tình yêu xôn xao, rạo rực trong trái tim con người, trong quan niệm của Xuân Quỳnh là khát vọng muôn đời của nhân loại mà mãnh liệt nhất là của tuổi trẻ. Nó như sóng, mãi mãi trường tồn, vĩnh hằng với thời gian.
Theo GS Trần Đăng Xuyền, Sóng là bài thơ tình yêu rất tiêu biểu cho tư tưởng và phong cách thơ Xuân Quỳnh trong giai đoạn đầu. Đây là bài thơ vừa xinh xắn, vừa duyên dáng, vừa mãnh liệt, sôi nổi, vừa hồn nhiên, trong sáng, vừa ý nhị, sâu xa.

Nhà thơ Xuân Quỳnh.
Xuân Quỳnh tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh năm 1942 tại thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay là quận Hà Đông, Hà Nội). Bà xuất thân trong gia đình công chức, mẹ mất sớm, bố thường xuyên công tác xa nên được bà nội nuôi dạy từ nhỏ.
Tháng 2/1955, Xuân Quỳnh vào Đoàn văn công Trung ương và được đào tạo thành diễn viên múa. Bà đã nhiều lần đi biểu diễn ở nước ngoài. Năm 20 tuổi, Xuân Quỳnh bắt đầu học Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam. Học xong, bà làm việc tại báo Văn nghệ, báo Phụ nữ Việt Nam.
Xuân Quỳnh kết hôn lần thứ hai với nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ năm 1973. Họ mất trong trong một tai nạn giao thông ở Hải Dương cuối tháng 8/1988.
Trong suốt sự nghiệp, Xuân Quỳnh xuất bản nhiều tập thơ như Chồi biếc (1963); Hoa dọc chiến hào (thơ, in chung, 1968); Gió Lào, cát trắng (1974); Lời ru trên mặt đất (1978); Sân ga chiều em đi (1984); Tự hát (1984) và một số tập thơ khác được in sau khi bà qua đời.
Nhà thơ Xuân Quỳnh được truy tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001, giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2017.