Tố Hữu (1920-2002) được đánh giá là nhà thơ tiêu biểu nhất của dòng thơ cách mạng với khối lượng tác phẩm đồ sộ, trong đó nhiều bài thơ được đưa vào giảng dạy trong chương trình Văn học ở phổ thông như: Từ ấy, Lượm, Tiếng chổi tre, Việt Bắc... Các tập thơ của Tố Hữu đã xuất bản gồm: Từ ấy (1946), Việt Bắc (1954), Gió lộng (1961), Ra trận (1972), Máu và hoa (1977), Một tiếng đờn (1992).
Tháng 7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, hòa bình trở lại. Tháng 10/1954, những người kháng chiến từ miền núi trở về miền xuôi, Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội. Nhân sự kiện có tính chất lịch sử này, Tố Hữu sáng tác bài thơ Việt Bắc.
Việt Bắc là vùng phía bắc Hà Nội, ngày nay thường được hiểu gồm sáu tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên hay còn được gọi tắt là Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái.
Bài thơ gồm 150 câu viết theo thể lục bát, thể hiện tinh thần quân dân thắm thiết, bền chặt như người thân trong một gia đình sau 15 năm gắn bó. Việt Bắc được chọn lọc và xuất bản lần đầu năm 1954 trong tập thơ cùng tên.
Mình về mình có nhớ ta?
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?
Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân ly
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...
Sách Giảng văn Văn học Việt Nam (NXB Giáo dục, 1998) bình giảng: Việt Bắc là một bài thơ ra đời rất đúng lúc, cũng là bài thơ không thể không viết. Sau chín năm kháng chiến, hòa bình được lập lại trên miền Bắc, nửa đất nước được tự do, cách mạng chuyển sang một giai đoạn khác.
Trong bài thơ, cách nhìn của tác giả với căn cứ địa Việt Bắc, với công cuộc kháng chiến và sự nghiệp cách mạng, với đất nước và nhân dân là cách nhìn của một nhà thơ cách mạng, đầy tình yêu thương, quý trọng, biết ơn và lạc quan.

Nhà thơ Tố Hữu và vợ. Ảnh: Đại đoàn kết
Nhà thơ Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh ở Hội An, Quảng Nam, quê gốc ở huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cha ông là nhà Nho nghèo, không đỗ đạt, thích thơ, thích sưu tập ca dao tục ngữ. Ông đã dạy Tố Hữu làm thơ cổ. Mẹ ông cũng là con nhà nho, thuộc nhiều ca dao dân ca Huế.
Năm 1938, Tố Hữu được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 4/1939, ông bị bắt và đày đi nhà lao Thừa Phủ (Huế) rồi chuyển sang nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị) và nhiều nhà tù khác ở Tây Nguyên.
Tháng 3/1942, ông vượt ngục Đắc Glêi (nay thuộc Kon Tum) rồi tìm ra Thanh Hóa, hoạt động cách mạng bí mật ở đây. Năm 1945, khi Cách mạng tháng tám bùng nổ, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên Huế.
Năm 1946, ông là Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Cuối 1947, ông lên Việt Bắc làm công tác văn nghệ, tuyên huấn. Từ đó, ông được giao những chức vụ quan trọng trong công tác văn hóa nghệ thuật, trong bộ máy lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Nhà thơ Tố Hữu từng giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng. Ông mất ngày 9/12/2002 tại Hà Nội.
Giáo sư Hà Minh Đức đánh giá Tố Hữu là nhà thơ thời sự nhất nhưng sáng tạo được những giá trị bền vững với thời gian. Ông luôn hòa nhập được với cuộc đời chung nhưng lại khẳng định được bản sắc riêng độc đáo. Ngay từ tiếng nói thơ ca đầu, Tố Hữu đã thể hiện rõ một con đường đi, một hướng sáng tạo nhưng vẫn suốt đời tìm tòi để tự khác mình, và cũng chính là để khẳng định mình. Đó là dấu hiệu, là phẩm chất của một tài năng thơ ca thuộc về nhân dân và dân tộc.
Câu 2: Trường ca Mặt đường khát vọng với những câu thơ sau là sáng tác của nhà thơ nào?
Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa..." mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc