Vợ nhặt là truyện ngắn của nhà văn Kim Lân viết về thời kỳ xảy ra nạn đói năm 1945, được in trong tập Con chó xấu xí (1962).
Tiền thân của truyện là tiểu thuyết Xóm ngụ cư, được viết ngay sau khi Cách mạng tháng tám thành công. Tác phẩm đang viết dang dở thì bị mất bản thảo, nhà văn sau đó đã dựa vào cốt truyện cũ để viết truyện ngắn này.
Năm 1945, nạn đói khủng khiếp lan khắp nước, người chết như rạ, người sống cũng dật dờ như những bóng ma. Tràng là chàng trai xấu xí thô kệch, ế vợ, làm nghề kéo xe bò thuê và sống cùng người mẹ già ở xóm ngụ cư. Một lần kéo xe thóc liên đoàn lên tỉnh, anh đã quen một cô gái.
Vài ngày sau gặp lại, Tràng không còn nhận ra cô gái ấy bởi vẻ tiều tụy, đói rách làm cô đã khác đi rất nhiều. Tràng đã mời cô gái một bữa ăn, cô gái liền ăn một lúc bốn bát bánh đúc.
Sau một câu nói nửa thật nửa đùa, cô gái theo anh về làm vợ. Việc Tràng "nhặt" được vợ đã làm cả xóm ngụ cư ngạc nhiên, nhất là cụ Tứ (mẹ của Tràng) bàng hoàng bởi bà lo hai người sẽ sống ra sao trong tình cảnh thê lương lúc bấy giờ.
Song, gác lại nỗi lo, bà cụ cũng đã hiểu và chấp nhận con dâu. Nhan đề Vợ nhặt - là vợ theo không, chẳng cưới xin gì đã thu hút sự chú ý của người đọc ngay từ đầu.

Minh họa anh Tràng kéo xe bò trong Vợ nhặt.
Theo đánh giá của các nhà phê bình văn học, giá trị của Vợ nhặt là tố cáo tội ác của thực dân, phản ánh cuộc sống thê thảm của nhân dân trong nạn đói. Qua đó, Kim Lân đã bộc lộ sự cảm thông với nỗi khổ của những người dân nghèo, phát hiện ra vẻ đẹp trong tâm hồn và nhân cách họ.
Nhà văn Kim Lân từng viết về Vợ nhặt như sau: "Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hy vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người".
Nhà văn Kim Lân tên thật Nguyễn Văn Tài, sinh năm 1920, quê ở huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông chỉ được học hết bậc tiểu học rồi phải đi làm.
Kim Lân bắt đầu viết truyện ngắn từ năm 1941, tác phẩm được đăng trên các báo Tiểu thuyết thứ bảy và Trung Bắc chủ nhật. Một số truyện Vợ nhặt, Đứa con người vợ lẽ, Đứa con người cô đầu, Cô Vịa... mang tính chất tự truyện nhưng đã thể hiện được không khí tiêu điều, ảm đạm của nông thôn Việt Nam và cuộc sống lam lũ, vất vả của người nông dân thời kỳ đó.
Câu 4: Nhân vật nào trong tiểu thuyết Số Đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng từng phải kiếm sống bằng đủ thứ nghề như trèo me, trèo sấu, quảng cáo thuốc lậu, nhặt banh?