Hai anh chị quen nhau 10 năm, kết hôn năm 2019. Khám tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, các bác sĩ nhận định hai vợ chồng rất khó có con tự nhiên, bởi toàn bộ nửa dưới cơ thể của anh Khải mất cảm giác hoàn toàn nhiều năm. Kết quả siêu âm phát hiện tinh hoàn bị teo nhỏ hơn ba lần người bình thường. Anh Khải được bác sĩ chỉ định mổ tinh hoàn tìm tinh trùng, thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.
Bác sĩ Đinh Hữu Việt, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, nhận định điều e ngại nhất trong ca này là lấy tinh trùng cho chồng vì chồng liệt lâu năm. Tuy nhiên người vợ có lợi thế rất lớn là trẻ tuổi, dự trữ buồng trứng vẫn đang bình thường. Tỷ lệ thành công ca thụ tinh ống nghiệm này là 70-80%.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chưa có điều kiện thụ tinh ống nghiệm, bệnh viện quyết định thực hiện miễn phí cho hai vợ chồng.
Để thụ tinh, bác sĩ tiến hành chọc trứng cho vợ xong, dựa vào số trứng của vợ làm thủ thuật tìm tinh trùng cho chồng. Đầu tiên là áp dụng phương pháp Pesa, chọc qua da để tìm tinh trùng, nếu đủ tinh trùng sẽ dừng lại. Nếu phương pháp này không thành công, bác sĩ sẽ tiểu phẫu MicroTESE, tìm tinh trùng trong mô tinh hoàn.
![Hai vợ chồng anh Khải và chị Nga tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Ảnh: Thúy Quỳnh](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2020/08/02/20200725-104000-2-1596382521-4267-1596382838.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ltK6E-UBQ9AsPkzxXzk-ag)
Hai vợ chồng anh Khải chị Nga tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Ảnh: Thúy Quỳnh.
Vợ chồng anh Khải là một trong 10 cặp vợ chồng được Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí 100%. Bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện, cho biết các gia đình này gặp nhiều áp lực về kinh tế.
Ví dụ vợ chồng chị Nguyễn Thị Liên và anh Lương Văn Trường, ở Bắc Giang. Anh Trường không thể đi làm vì sức khỏe yếu, phải chạy thận suốt 4 năm nay, tinh trùng yếu. Chị Liên là công nhân, trụ cột chính của gia đình.
Đôi vợ chồng người dân tộc Tày, chị Nông Thị Quỳnh và anh Mai Văn Toàn, ở Tuyên Quang, cũng gặp khó khăn. Kết hôn năm 2014, mãi chưa thấy tin vui, hai vợ chồng từng thụ tinh nhân tạo hai lần đều thất bại.
Tùy từng trường hợp, chi phí cho một lần thụ tinh trong ống nghiệm 70-100 triệu đồng, bao gồm chi phí xét nghiệm, kích trứng, chọc trứng, tạo phôi, trữ đông phôi, chuyển phôi... Bệnh viện cũng hỗ trợ 20 ca mổ nội soi thăm dò buồng tử cung miễn phí và 20 ca mổ MicroTESE miễn phí.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc Bệnh viện, cho biết thụ tinh nhân tạo miễn phí cho các cặp vợ chồng khó khăn là một phần hỗ trợ quan trọng trong chương trình Tuần lễ vàng của bệnh viện.
Thúy Quỳnh