Lo ngại về mức độ phát triển của trẻ được sinh ra nhờ các phương pháp điều trị vô sinh đã xuất hiện từ lâu dù giới khoa học chưa đưa ra mối liên hệ thuyết phục nào. Giờ đây các cặp vợ chồng hiếm muộn có thể yên tâm sau khi nghiên cứu trên tờ JAMA Pediatrics được công bố.
Theo US News, chuyên gia Edwina Yeung từ Viện Sức khỏe Trẻ em và Phát triển Con người (Mỹ) đã theo dõi 5.800 trẻ được sinh ra ở New York từ năm 2008 đến 2010, trong đó 1.830 bé chào đời nhờ các phương pháp điều trị vô sinh khác nhau. Phụ huynh tham gia được yêu cầu trả lời các câu hỏi về khả năng vận động, ngôn ngữ, phát triển xã hội, giải quyết vấn đề của con. Nghiên cứu cũng tính đến yếu tố tuổi tác, trình độ học vấn của cha mẹ cũng như thói quen uống rượu, hút thuốc của người phụ nữ trong quá trình mang thai.
Kết quả cho thấy, mỗi hạng mục có 6-10% trẻ chậm phát triển. Trẻ được tạo ra nhờ sự trợ giúp của thuốc sinh sản không có biểu hiện chậm hơn so với trẻ được sinh tự nhiên. Đối với nhóm sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (bao gồm thụ tinh trong ống nghiệm), đội ngũ nhà khoa học ghi nhận một số khó khăn nhưng chủ yếu ở các cặp song sinh.
Trên thực tế, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản dẫn đến tỷ lệ sinh đôi cao, khoảng 34% so với 19% nếu sinh nở tự nhiên. Những bé này, dù có hay không sự can thiệp y học, đều thường đẻ non và nhẹ cân, từ đó dễ gặp phải các vấn đề về phát triển. Nếu giảm trừ yếu tố sinh đôi, không có bằng chứng nào cho thấy điều trị vô sinh ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển của trẻ nhỏ.
Tiến sĩ Siobhan Dolan từ tổ chức chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em March of Dimes đồng tình với kết quả nghiên cứu và bày tỏ sự vui mừng. Tuy nhiên, bà lưu ý tỷ lệ sinh đôi cao của các phương pháp điều trị vô sinh là một yếu tố nguy cơ và nên có những biện pháp giảm thiểu.
Minh Nguyên