Trước ly hôn, chồng chị Hằng được bác sĩ chẩn đoán tinh trùng yếu. Hai lần vợ chồng làm thụ tinh ống nghiệm (IVF) để có con nhưng đều thất bại. Khao khát làm mẹ, chị Hằng nhiều lần thuyết phục chồng xin tinh trùng để thụ tinh nhân tạo một lần nữa nhưng anh quyết liệt phản đối: "Thà ly hôn chứ không nuôi con thiên hạ".
Tuổi đã lớn, nếu chần chừ mãi sẽ lỡ mất cơ hội được làm mẹ, đầu năm 2022, chị Hằng quyết định ly hôn. Sau khi hoàn tất các thủ tục chia tay, chị thụ tinh ống nghiệm ngay nhờ tinh trùng xin được ở ngân hàng, và thành công. Hiện, chị mang song thai được 17 tuần.
Chị Hằng nói rằng trải qua 14 năm lập gia đình, phải đến 4 tháng sau ly hôn chị mới cảm nhận hạnh phúc thật sự khi cầm kết quả siêu âm phát hiện hai thai. "Tôi mừng run cả chân tay, cảm xúc không thể tả nổi", chị chia sẻ, ngày 19/11, và thêm "tôi chỉ muốn sống bình yên cùng với các con của riêng mình".
Chị biết làm mẹ đơn thân rất vất vả. Nhiều lần đi siêu âm thai, chị cũng cảm thấy tủi thân bởi không có chồng đồng hành. Tuy vậy, chị muốn cho con tất cả tình yêu của mình, mong con sẽ hiểu và phát triển khỏe mạnh. "Tôi thà làm mẹ đơn thân còn hơn là con sinh ra có một người cha không chấp nhận con", chị tâm sự.
Trường hợp khác là chị Tiên, 27 tuổi, không có ý định kết hôn và đang tìm hiểu phương pháp làm thụ tinh nhân tạo. Chị muốn có một đứa con cho riêng mình nhưng không muốn "lằng nhằng" tranh chấp con cái với bất kỳ ai.
Trước khi có quyết định này, chị Tiên đã suy nghĩ rất kỹ về việc làm mẹ đơn thân, bởi nhiều người nói "làm mẹ đơn thân là ích kỷ, đứa con sinh ra thiếu thốn tình cảm của cha sẽ tủi thân...". Nhưng theo chị, để làm mẹ đơn thân, chị phải chuẩn bị kỹ mọi thứ về kinh tế, kiến thức, tâm sinh lý, mong sẽ chăm sóc con tốtnhất có thể. "Sau này con lớn, tôi sẽ nói cho con hiểu và không để con thiếu thốn tình cảm", chị Tiên cho biết trong khi chuẩn bị đến viện tiến hành thụ tinh nhân tạo theo lịch hẹn với bác sĩ.
Đánh giá nhu cầu thụ tinh nhân tạo để làm mẹ đơn thân, bác sĩ Lê Khắc Tiến, Phó trưởng Đơn vị Hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức (Phú Nhuận) cho biết: "Xu hướng này gia tăng trong 1-2 năm qua, mỗi tháng tôi tiếp nhận 3-4 trường hợp xin tư vấn làm mẹ đơn thân".
Theo bác sĩ, người muốn làm mẹ đơn thân nhờ thụ tinh nhân tạo thường là phụ nữ trẻ, tuổi 25-35. Họ thuộc hai nhóm, gồm nhóm phụ nữ độc thân và nhóm thuộc cộng đồng LGBT mong muốn có con theo diện mẹ đơn thân.
Theo bác sĩ Tiến, để được thụ tinh nhân tạo, theo quy định, người phụ nữ cần chuẩn bị giấy xác nhận độc thân, khám sàng lọc sức khỏe sinh sản, thực hiện tại các cơ sở y tế được cấp phép. Khi đủ điều kiện sức khỏe, người phụ nữ cần tìm người hiến tinh trùng thích hợp đưa đến bệnh viện khám, nếu đạt yêu cầu sẽ lấy và tráo mẫu tinh trùng vô danh trong ngân hàng tinh trùng để thực hiện thụ tinh nhân tạo. Quy định bắt buộc của Ngân hàng tinh trùng là vô danh và tráo đổi mẫu, không thể sử dụng mẫu tinh trùng hiến tặng trực tiếp để điều trị IVF.
Thụ tinh nhân tạo là phương pháp hỗ trợ sinh sản cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, phụ nữ độc thân vì một lý do nào đó không thể có thai theo cách tự nhiên. Thông thường có hai phương pháp thụ tinh nhân tạo là bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) và thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). IUI là bơm trực tiếp tinh trùng "tươi" vào tử cung - tỷ lệ thành công thấp hơn cách khác. IVF là cho tinh trùng và trứng thụ tinh ở môi trường ống nghiệm, đậu phôi mới đưa vào tử cung người mẹ - tỷ lệ thành công cao.
Theo bác sĩ Tiến, thông thường mẹ đơn thân chọn IVF, bởi tỷ lệ thành công cao mặc dù chi phí đắt hơn so với IUI. Chi phí IVF khoảng 80-100 triệu đồng, còn IUI tầm 30-40 triệu cho một lần thực hiện.
Trên thực tế, không phải cơ sở y tế nào cũng đảm bảo thực hiện quy định "tráo" tinh trùng ở ngân hàng tinh trùng. Một số trường hợp muốn chọn lựa gene tốt cho con của mình, đã chọn cách xin tinh trùng trực tiếp và thực hiện IUI tại các phòng khám tư nhân mà không qua sàng lọc và đổi mẫu tại ngân hàng tinh trùng theo quy định.
Bác sĩ Hồ Cao Cường, chuyên Sản - Phụ khoa, Bệnh viện Hùng Vương, cho biết những trường hợp thực hiện thụ tinh "chui" như vậy sẽ dẫn đến nhiều rủi ro không lường trước được. Ví dụ, thai nhi bị lây các bệnh truyền nhiễm nên sinh ra không đảm bảo sức khỏe, hoặc người mẹ có thể vướng vào các tranh chấp kiện tụng nếu không may người cho tinh trùng trở về tìm con.
Bác sĩ Cường khuyên trước khi thực hiện thụ tinh nhân tạo để làm mẹ đơn thân, người phụ nữ cần suy nghĩ kỹ càng, chuẩn bị về mọi mặt như tài chính, tâm lý, sức khỏe... Đồng thời, quá trình thụ tinh nên tiến hành ở bệnh viện được cấp phép điều trị hiếm muộn, nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe và được pháp luật bảo vệ.
Ngọc Nhi
* Tên nhân vật đã được thay đổi