Chương trình "Ươm mầm hạnh phúc" lần 11 nhận hồ sơ từ ngày 11/10 đến 22/10. Các cặp vợ chồng chưa có con chung, đăng ký kết hôn từ một năm, được bác sĩ chỉ định làm thụ tinh trong ống nghiệm, không mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, có thể gửi hồ sơ tham gia. Điều kiện là người vợ từ 37 tuổi trở xuống, dự trữ buồng trứng bình thường, tử cung không bất thường, chồng xét nghiệm có trên một triệu tinh trùng di động trong tinh dịch...
100 đôi vợ chồng đủ điều kiện sẽ bắt đầu quá trình điều trị từ ngày 11/11 tại 6 cơ sở thuộc hệ thống hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức ở TP HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Đăk Lăk. Bệnh nhân được hỗ trợ chi phí liên quan thụ tinh ống nghiệm, không bao gồm chi phí ăn ở, đi lại, khám xét nghiệm sàng lọc, tái khám ngoài lịch hẹn...
Năm ngoái, 97 cặp vợ chồng đã được chương trình hỗ trợ, đến nay 59 người đang có thai. Các trường hợp chưa chuyển phôi hoặc chuyển phôi nhưng chưa có thai đã quay lại bệnh viện để tiếp tục điều trị và chuẩn bị chuyển phôi đông lạnh.
Chương trình "Ươm mầm hạnh phúc" được Bệnh viện Mỹ Đức tổ chức thường niên 11 năm qua, gần 600 cặp vợ chồng hiếm muộn hoàn cảnh khó khăn đã thành công sinh con. Chuỗi chương trình được khởi xướng bởi GS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - một trong 5 người vừa được Quỹ Giải thưởng Ramon Magsaysay (còn gọi "giải Nobel châu Á") năm 2024 vinh danh.
Hiện, chi phí điều trị vô sinh hiếm muộn tại Việt Nam chưa được bảo hiểm y tế chi trả, khiến nhiều cặp vợ chồng chưa thể tiếp cận dịch vụ. Không ít đôi vợ chồng đứng trước bờ vực hôn nhân và chịu nhiều tổn thương vì những định kiến của xã hội khi không sinh được con. Hai phương pháp điều trị hiếm muộn phổ biến hiện nay là thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm, ước tính tốn khoảng 60 triệu đồng cho một chu kỳ.
Hồ sơ gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Bệnh viện Mỹ Đức, số 4 Núi Thành, phường 13, quận Tân Bình, TP HCM.
Lê Phương