Là trưởng phòng marketing của một công ty bất động sản, Thu có nhịp sinh hoạt bận rộn từ 7h đến 21h đêm, thậm chí cô chỉ dám ngủ 5 tiếng một ngày. Do kết hôn muộn, sự nghiệp trên đà thăng tiến, người phụ nữ bàn với chồng tìm đến phương pháp IVF sinh đôi một lần, để không mất nhiều thời gian vào việc chửa đẻ, nuôi con. Chồng Thu, là tiến sĩ giảng viên một trường đại học, cũng ủng hộ ý tưởng của vợ do anh không muốn hy sinh nhiều thời gian vào việc chăm bạn đời.
Trường hợp khác là chị Minh, 32 tuổi, cũng bàn với chồng kế hoạch IVF để sinh đôi cặp trai gái. Chồng chị là con trai trưởng và trưởng họ nên áp lực có "thằng cu" nối dõi luôn đè nặng. Mỗi dịp về quê, cả hai bị nhắc nhở, mẹ chồng thúc giục "phải đẻ đến khi có con trai thì mới trả xong chữ hiếu".
Biết chồng khó xử, chị vào hội nhóm để tìm hiểu các cơ sở thụ tinh nhân tạo uy tín nhưng vẫn trăn trở. Chị nói, sinh con phải xem xét, suy nghĩ rất kỹ phương pháp nuôi dạy. Chưa kể, ở lần mang thai trước, chị bị trầm cảm vì phải chăm con một mình, trong lúc chồng đi chống dịch. Thêm nữa, gánh nặng kinh tế đè nặng khiến chị chần chừ kế hoạch mang thai. Mỗi tháng, tiền học và ăn con gái lên đến 10 triệu đồng, chiếm 3/4 lương của chị.
"Nếu sinh đôi, tôi phải làm việc gấp ba lần hiện nay. Nếu lại là con gái, mọi kế hoạch coi như đổ sông, đổ bể", chị nói.
Tương tự, mất 4 năm vùi mình vào công việc để có chỗ đứng và thu nhập ổn định, Hường, 28 tuổi chưa muốn lập gia đình và sinh con sớm. Cô đã tích góp khoảng 150 triệu, đến khi sẵn sàng sẽ đi làm IVF để có luôn trai gái, cùng một công chăm. Hường tính trữ trứng tại bệnh viện để không phải lo lắng về chất lượng trứng sau này nhưng chưa tìm được cơ sở phù hợp. Người phụ nữ tính khoảng 5 đến 6 năm sau nữa, sự nghiệp ổn định, cô sẽ lui về toàn tâm toàn ý làm mẹ.
Bác sĩ Phan Chí Thành, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết gần đây tiếp nhận và tư vấn nhiều trường hợp giống Thu, Hường hay Minh, mong muốn sinh con một lần và đủ trai đủ gái cho "xong nhiệm vụ".
Theo bác sĩ Thành, đây là nhu cầu nguy hiểm do khi mang song thai, nguy cơ tử vong cho mẹ và bé tăng gấp 6 lần. Tỷ lệ tai biến, biến chứng trong thai kỳ và lúc chuyển dạ cũng tăng 2,5 lần so với người mang một thai. Bên cạnh đó, tử cung người mẹ được thiết kế để mang một thai, nặng khoảng ba kg, kèm hai lít nước ối và khoảng 500-600g bánh nhau. Nếu mang thai đôi, tử cung phải chịu trọng lượng gấp đôi, rất vất vả để chăm sóc, theo bác sĩ.
Mặt khác, mẹ mang song thai có nguy cơ sinh non trước 37 tuần nhiều hơn thai phụ mang thai đơn. Lúc này, trẻ chưa phát triển toàn diện, nhiều bộ phận chưa trưởng thành, như thần kinh, tiêu hóa, vận động, đặc biệt là phổi. Trẻ sinh non dễ tử vong hoặc ảnh hưởng đến sự phát triển về cả thể chất lẫn trí tuệ sau này.
Ngoài ra, cặp song sinh chào đời (do can thiệp) có nguy cơ dị tật bẩm sinh gấp đôi, nhất là bệnh thần kinh nứt đốt sống, khuyết tật ống thần kinh... Thai nhi dễ mắc hội chứng truyền máu trong song thai (hai thai khác buồng ối nhưng dùng chung một bánh nhau), xoắn hoặc thắt nút dây rốn khiến trẻ tử vong trong bụng mẹ.
Bác sĩ dẫn chứng trường hợp thai phụ 28 tuổi, từng cắt một vòi trứng do chửa ngoài tử cung, vòi còn lại bị tắc. Để mang thai, bệnh nhân phải làm thụ tinh ống nghiệm, may mắn có thai trong lần chuyển phôi đầu tiên. Tuy nhiên, thai phụ phải nằm bất động dưỡng thai từ tuần 24 do có dấu hiệu dọa đẻ non. Ở tuần 28, bệnh nhân chuyển dạ cấp cứu. Hai bé trai và gái nặng 1,8 kg và 2 kg, phải hỗ trợ oxy vì phổi chưa trưởng thành, suy hô hấp. "Trường hợp này nếu sinh ở tuyến dưới, tiên lượng vô cùng dè dặt", bác sĩ nói.
Tiếp đó, kíp khẩn trương cầm máu và hàng loạt thủ thuật ngoại khoa phức tạp để xử lý tai biến cho người mẹ. Lúc này, tử cung bệnh nhân giãn căng quá mức như quả bóng, nguy cơ mất hàng lít máu và tử vong. Đây là tai biến bất ngờ, xảy ra trong quá trình chuyển dạ. May mắn, bệnh nhân cầm được máu, thoát nguy kịch.
Không chỉ ở Việt Nam, nhu cầu thụ tinh ống nghiệm để có thai đôi, thai ba cũng tăng lên trên toàn cầu. Theo báo cáo năm 2021, công bố trên Human Reproduction, tạp chí chuyên về sản phụ khoa và sinh sản của Oxford Academic, từ những năm 1980, tỷ lệ sinh đôi trên toàn cầu đã tăng một phần ba, từ 9 lên 12 ca sinh đôi trên 1.000 ca sinh nở. Báo cáo chỉ ra rằng thế giới có 1,6 triệu cặp song sinh ra đời mỗi năm, tức là cứ 42 trẻ sơ sinh thì có một cặp sinh đôi. Nguyên nhân là dịch vụ điều trị bằng hormone và thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) trở nên dễ tiếp cận hơn, tuổi có thai của các bà mẹ cũng tăng lên.
Ví dụ, tại Hàn Quốc, tỷ lệ sinh đôi tăng gấp ba lần từ 0,5% lên 1,54% trong giai đoạn 1980-2010. Trước đó, xác suất sinh đôi ở các bà mẹ là khoảng một %, sinh ba là khoảng một phần nghìn. Nếu can thiệp IVF, cơ hội sinh đôi hoặc sinh ba sẽ tăng lên tới 30%. Việt Nam chưa có số liệu cụ thể song nhu cầu ngày càng nhiều, nhất là ngày càng có nhiều phụ nữ độc lập kinh tế và phụ thuộc vào các các biện pháp y tế để có con theo ý muốn.
Gần đây, nước ta phát triển nhiều trung tâm thụ tinh ống nghiệm, chi phí dao động từ 70 triệu đến 100 triệu. Từ năm 2017, số ca IVF thực hiện mỗi năm ở Việt Nam cao nhất khu vực ASEAN. Năm 2019, cả nước có gần 35.000 trường hợp IVF được thực hiện. Trước đó, các cặp gia đình đều phải sang Thái Lan, Singapore với chi phí cả tỷ đồng.
Một trong nguyên nhân khác khiến nhu cầu sinh đôi tăng, là do tâm lý ngại đẻ, không muốn ràng buộc của người trẻ. Theo Bộ Y tế, xu hướng kết hôn muộn, không muốn đẻ, đẻ ít, đẻ thưa ngày càng cao. 21 tỉnh, thành phố đang có mức sinh dưới 2 con, chiếm 39% quy mô dân số. Trong đó, 5 thành phố trực thuộc trung ương, đặc biệt TP HCM ở nhóm thấp nhất cả nước với mức sinh 1,39 con.
Dù xu hướng này tăng, các bác sĩ khuyến cáo khi can thiệp biện pháp hỗ trợ sinh sản để có thai đôi, thai phụ đối mặt nhiều nguy cơ. Là bác sĩ vô sinh hiếm muộn, ông Phạm Thanh Sơn tư vấn các gia đình sử dụng phương pháp kích trứng, thay đổi chế độ dinh dưỡng hoặc chọn ngày quan hệ để có thai tự nhiên, "tuyệt đối không lạm dụng khoa học để mang thai theo ý muốn".
Đến nay, ông Sơn hỗ trợ hơn 3.000 cặp vô sinh hiếm muộn có thai tự nhiên. "Không nên từ một người khỏe mạnh lại lao vào hành trình đầy bất trắc, tỷ lệ bế con trên tay thấp", bác sĩ nói.
Trường hợp "trót" mang song thai, thai phụ khám thai cẩn thận, sàng lọc bệnh, chủ động tìm bệnh, không chờ dấu hiệu mới tất bật đi viện. Mẹ bầu nên đề xuất với bác sĩ đưa ra chiến lược quản lý thai kỳ, giảm thiểu tối đa tai biến.
Như trường hợp của Hường, bác sĩ khuyên nên đi trữ trứng sớm để yên tâm phát triển công việc. Về phần Thu, Minh nên cải thiện đời sống tinh thần, tránh căng thẳng hoặc tâm sự với bạn bè, gia đình để có hướng đi phù hợp.
"Mang thai là niềm hạnh phúc, song chỉ khi bế con trên tay thì hạnh phúc mới thực sự trọn vẹn", bác sĩ Thành nói.
Thùy An