3 thất bại liên tiếp của tuyển Việt Nam ở Cup TPHCM quả thật khiến người hâm mộ khó có thể hài lòng. Và dường như, tất cả trách nhiệm đều đổ lên đầu HLV Calisto. Lẽ đương nhiên, một khi làm công tác huấn luyện cho bất kỳ đội bóng nào thì HLV luôn là người phải có trách nhiệm đầu tiên trước toàn bộ kết quả thi đấu. Nhưng dù thế nào, cũng nên xét lại nhiều yếu tố khách quan mà dù HLV hay người hâm mộ không muốn cũng phải ngậm đắng chấp nhận.
Yếu tố con người quyết định không nhỏ đến kết quả thi đấu, mà đây là khía cạnh luôn bất ổn của tuyển Việt Nam bao năm qua. Chưa bao giờ chúng ta sở hữu một đội hình đồng đều ở các tuyến, chưa bao giờ các cầu thủ chúng ta xứng tầm với đẳng cấp mà người hâm mộ mong muốn, lẫn tiếng tăm mà họ có được. Nói thẳng, bóng đá Việt Nam chúng ta xây từ nóc, với các lời tán dương, chỉ tiêu, thành tích ... chứ không phải từ nền tảng căn bản của bóng đá chuyên nghiệp.
Những minh chứng cho sự thiếu sót ấy không quá khó để tìm ra. Việt Nam sở hữu giải V-League sôi động bậc nhất Đông Nam Á, nhưng lại lép vế ở đấu trường quốc tế dành cho các CLB. Các CLB sẵn sàng tung ra tiền tỉ cho thị trường chuyển nhượng, nhưng lại không có sự đầu tư thỏa đáng cho đào tạo trẻ. Giải bóng đá các lứa tuổi, phong trào còn nghèo nàn và nặng tính hình thức, nên khó phát hiện và đào tạo nhân tài trẻ... Vì thế, đừng ngạc nhiên khi ở mỗi giải đấu, các ĐTQG khác luôn trình làng những gương mặt đầy hứa hẹn, còn chúng ta thì vẫn giậm chân với các trụ cột ngày càng "già dặn".
Còn rất nhiều mảng tối bên cạnh ánh hào quang mà chúng ta đặt lên vai cầu thủ bằng những chỉ tiêu chiến thắng. Thà thất bại, tuy đau, nhưng sẽ giúp chúng ta nhìn lại khiếm khuyết để khắc phục. Điều đó còn có giá trị gấp vạn lần sự hưng phấn một chiến thắng ở một giải vô nghĩa đem lại, để rồi chúng ta lại quên đi những sai sót, khiếm khuyết của mình.