Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân ở thị trấn Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) đã có thu nhập kinh tế ổn định từ mô hình nuôi cá bống bớp. Nhận thấy nghề nuôi cá đặc sản này mang lại hiệu quả kinh tế hơn nuôi cua và tôm, nhiều hộ dân tiếp tục đầu tư mở rộng trang trại.
Xuất hiện ở Nghĩa Hưng được khoảng 20 năm, nghề nuôi cá bống bớp ban đầu chỉ tự phát, cá được các hộ dân tự đánh bắt cá tự nhiên đem về nuôi thử. Qua nhiều năm tìm tòi phương pháp, người dân ở đây đã biết cách nhân giống cá, mở rộng quy mô chăn nuôi.
“Cá bống bớp vốn sống ở vùng nước mặn ven biển, dần dần được người dân thuần hoá có thể thích nghi ở môi trường nước lợ”, anh Nguyễn Văn Sơn (ở khu 6, thị trấn Rạng Đông) cho hay.
Với đặc tính khoẻ mạnh, ít mắc bệnh, khả năng thích nghi cao hơn nhiều loài cá khác nên sản lượng nuôi khá ổn định. Khi vận chuyển đi tiêu thụ, cá không cần phải ướp đá lạnh nên tiết kiệm chi phí và được các thương lái rất ưa chuộng. Mỗi ngày, các hộ dân ở Rạng Đông tiêu thụ hàng tấn cá thương phẩm.
Thị trường tiêu thụ cá bống bớp khá ổn định. Cá được xuất bán nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... và cả nước ngoài. Giá cá bống bớp hiện khá cao, dao động khoảng 280.000-300.000 một kg (8-12 con).
Chị Nguyệt ở khu 6, thị trấn Rạng Đông cho hay, cá bống bớp từ khi ươm giống đến khi xuất bán khoảng một năm. Mỗi ha ao nuôi trong vòng một năm có thể thu về lợi nhuận từ 250 đến 300 triệu đồng. “Chưa có khi nào mà nuôi cá ra không bán được cả. Nghề nuôi cá đặc sản này đã giúp nhiều hộ dân làm giàu ngay trên mảnh đất quê nhà”, chị Nguyệt nói thêm.
Ông Nguyễn Duy Phong, Chủ tịch hội nông dân thị trấn Rạng Đông cho biết, cả huyện Nghĩa Hưng hiện có khoảng 400 hộ nuôi cá bống bớp, giải quyết việc làm cho hàng nghìn người dân. Hàng năm, tiền lãi mỗi hộ thu về lên đến cả tỷ đồng.
Việt Linh - Lê Hoàng