Vụ phó Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân khẳng định rằng: Nếu các cá nhân kinh doanh qua mạng chây ì, trốn thuế… thì cơ quan thuế sẽ tính tới yêu cầu phối hợp, khoá tài khoản Facebook. Tuy nhiên, việc một công ty tại Mỹ khóa hàng loạt tài khoản người dùng theo cáo buộc của một chính phủ nước ngoài, là điều rất khó tưởng tượng trong hiểu biết của tôi.
Sau lời “đe dọa” khóa tài khoản này, thực chất cơ quan thuế đang trông chờ hoàn toàn vào sự tự nguyện của những người kinh doanh. Đó là một trạng thái bất lực. Nguyên nhân thì ai cũng biết: hoạt động bán lẻ tại nước ta chủ yếu đang sử dụng tiền mặt. Chính phủ không thể kiểm soát và thu thuế với những tờ giấy bạc trao tay.
Những người kinh doanh không đóng thuế trên Facebook bỗng nhiên khiến tôi nghĩ đến những căn dinh thự của quan chức bỗng nhiên phơi ra trên mặt báo. Hai chuyện có vẻ chẳng liên quan. Nhưng thực chất, đều là biểu hiện của một xã hội bất khả minh bạch về thuế. Nếu ngành thuế quản lý được thu nhập cá nhân thì chẳng còn gì để “đáng tin” hay “đáng ngờ” khi bàn về tài sản cá nhân. Khi ấy, chỉ cần so sánh số tiền họ đã đóng thuế và quy mô khối tài sản là hoàn toàn có cơ sở để khẳng định đây là tài sản hợp pháp hay bất minh. Nếu một người chẳng nộp thuế thu nhập bao giờ, thì sẽ rất vô lý nếu người này sở hữu một lượng tài sản lớn.
Cùng với văn hóa tiền mặt, với những khoản thu nhập mà ngành thuế không thể sờ đến được, ở nước ta lại tồn tại một nghịch lý là dù không đóng thuế, người ta vẫn có thể lý giải số tài sản của mình là do công sức lao động hợp pháp mà có.
Cuộc tranh cãi kéo dài nhiều tháng qua về thu thuế trên Facebook không chỉ là vấn đề của các tiểu thương. Nó là bài toán của cả một nền tài chính lành mạnh ở cấp độ quốc gia.
Và để giải bài toán ấy, cần giải phép toán “văn hóa tiền mặt”.
Ngày tôi còn ở Australia, giới sinh viên chúng tôi đi làm công việc chân tay vẫn nộp thuế đầy đủ. Cho dù là đi làm thuê ở nông trang, làm bồi bàn, làm người giúp việc nhà... thì lương sẽ được trả thẳng qua tài khoản ngân hàng. Cơ quan thuế sẽ tự khấu trừ một khoản nhất định. Tỷ lệ trả qua ngân hàng gần như là 100 % nếu bạn làm việc cho người bản địa. Đến hết năm tài khoá, nếu mức thu nhập bạn không phải nộp thuế hoặc chỉ phải nộp ít hơn số đã bị thu trước thì bạn có thể hoàn thuế. Cách vận hành như vậy vừa thuận tiện cho cơ quan quản lý, mà vừa đảm bảo sự minh bạch.
Bạn sẽ tự hỏi rằng liệu luật của Australia có bắt chủ lao động phải trả tiền qua ngân hàng? Câu trả lời là không. Về mặt pháp lý, luật pháp Australia cho phép áp dụng cả hình thức trả tiền mặt, trả bằng séc lẫn chuyển khoản để trả lương người lao động. Tức là người sử dụng lao động không bị bắt buộc phải chuyển khoản. Tuy nhiên, có lẽ vì đã tạo dựng được văn hoá thanh toán điện tử nên người bản địa vẫn luôn ưu tiên chuyển khoản khi thanh toán lương.
Để tạo được thứ văn hoá ấy, thì việc thanh toán điện tử phải được hỗ trợ để trở nên vô cùng tiện lợi, gần như bạn không cần dùng tiền mặt vào việc gì. Từ mua hàng online cho đến mua sắm trực tiếp đều có thể thanh toán điện tử, thậm chí sử dụng các phương tiện giao thông công cộng cũng chẳng cần dùng đến tiền mặt. Còn khi muốn rút một lượng tiền lớn khỏi ngân hàng sẽ phải khai báo mục đích sử dụng rất cụ thể.
Ngược lại, Việt Nam chưa tạo dựng được một môi trường như vậy. Có rất nhiều điểm bán hàng không chấp nhận thanh toán thẻ, hoặc khi khách thanh toán bằng thẻ thì nhận được thái độ khó chịu, cũng có trường hợp khách sẽ phải chịu thêm một khoản phí thanh toán thẻ. Rồi ngay cả phía ngân hàng cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Ngoài việc không kiểm soát tốt các đối tác đặt POS (điểm thanh toán bằng thẻ), uy tín của ngành này hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ, là điều rất đáng bàn.
Để giải quyết thói quen sử dụng tiền mặt cần cả một quá trình và sự tham gia của nhiều bên. Đặc biệt là phía doanh nghiệp. Không ngạc nhiên khi những doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam rất chú trọng đến việc thanh toán điện tử. Khách thanh toán điện tử nhận được nhiều ưu đãi hơn thanh toán bằng tiền mặt.
Giữa “tiền mặt” và “thanh toán điện tử” không chỉ là khoảng cách về chính sách mà còn là khoảng cách về văn hóa. Sẽ là không cần thiết để nói về các lợi ích với doanh nghiệp khi khuyến khích thanh toán điện tử. Nhưng ở đây, tôi còn muốn đề cập đến khía cạnh trách nhiệm xã hội: Kiến tạo văn hóa thanh toán điện tử, là tạo ra một xã hội minh bạch hơn, là chống tham nhũng, chống thất thu thuế, là kiến tạo tương lai. Đó là trách nhiệm của mỗi công dân.
Bộ Tài chính, thay vì đi “tỉa ngọn” bằng cách đe nẹt những tiểu thương trên Facebook, cũng cần những chính sách giải quyết gốc rễ vấn đề, tìm cách tạo một tương lai ít dùng tiền mặt.
Vì nếu Facebook hỏi vặn lại, bằng chứng đâu mà bắt tôi đóng tài khoản khách hàng, thì cơ quan thuế chắc cũng bí.
Tất Đức