Tôi chỉ để dành một khoản tiền nhất định cho việc làm nhà nên rất lo nếu mức phát sinh quá cao sẽ không đủ khả năng chi trả. Vậy làm thế nào để tính toán chi phí cho một công trình hoàn thiện chính xác nhất? (Sang).
Trả lời:
Câu hỏi của bạn cũng là lo lắng của nhiều người trước khi xây nhà. Trên thực tế mọi người đều biết xây nhà thường dẫn đến tình trạng phát sinh chi phí và mức phát sinh này không nhỏ khiến họ luôn cảm thấy áp lực khi bắt tay xây dựng. Thông thường việc phát sinh chi phí cho một công trình nhà ở dân dụng sẽ gấp rưỡi đến gấp đôi khoản chi phí dự trù ban đầu.
Về vấn đề này tôi xin làm rõ những khái niệm trong xây dựng, qua đó nêu ra nguyên nhân phát sinh thường gặp nhất để các bạn có thể dự liệu và giảm rủi ro tối đa khi xây nhà:
1. Khái niệm "báo giá hoàn thiện" từ phía nhà thầu xây dựng
Hầu hết nhà thầu xây dựng do không phải một đơn vị có cách tính toán chi phí chuyên nghiệp, họ thường tách báo giá ra làm 2 phần cơ bản: phần thô và phần hoàn thiện. Nhưng trên thực tế phần hoàn thiện này chỉ là hoàn thiện phần thô, vẫn chưa thể đưa vào sử dụng ngay được. Đây chính là khởi nguồn của các mức phát sinh ngoài dự kiến.
Thực chất, báo giá hoàn thiện phải có 4 phần: phần thô, phần hoàn thiện, trang trí nội thất và thiết bị sử dụng. Công trình hoàn thiện là một tổng thể bao gồm cả các chi tiết như tủ, giường, bàn ghế, giấy dán tường, hệ thống điện nước, đèn trang trí… Đây là yếu tố vô cùng quan trọng. Trên thực tế do không nắm rõ khái niệm này, nhiều gia chủ phải tốn thêm một khoản tiền không nhỏ sau khi nhận bàn giao phần công trình thô nhưng nhà thầu lại cho đó là công trình hoàn thiện.
Mặt khác, các nhà thầu thường đánh vào tâm lý gia chủ hay so sánh các bảng báo giá từ nhiều đơn vị nên để được chọn thầu, họ thường bỏ qua phần báo giá thiết bị và nội thất hoàn chỉnh. Điều này khiến không ít gia chủ mệt mỏi với các khoản phát sinh về sau.
2. Cách ước lượng một gói xây dựng hoàn chỉnh
Thông thường, một gói công trình thi công dân dụng chiếm tỷ lệ giá như sau: phần thô 30%, phần hoàn thiện thô chiếm 30%, 40% còn lại dành cho nội thất (bao gồm, tủ âm tường, giấy dán tường, kệ bếp...).
Nhiều gia chủ thường nghĩ chỉ cần hoàn thiện phần thô rồi đưa vào sử dụng và sẽ hoàn thiện nội thất sau. Thêm vào đó do việc phát sinh chi phí trong quá trình xây dựng, hao hụt tài chinh, nên thường họ vẫn sử dụng bản thiết kế nội thất nhưng tìm phần nội thất với chất lượng thấp hơn không đúng quy cách kết cấu để thay thế tạm bợ. Đây là vấn đề thường gặp, song hệ luỵ mà mọi người không ngờ được là việc sử dụng nội thất thấp cấp sẽ dẫn đến nguy cơ hư hại sớm và lại phải mất thêm chi phí cho việc bảo trì và thay đổi về sau.
3. Giảm rủi ro và cân đối tài chính
Để giảm rủi ro và tránh chi phí phát sinh cho công trình, bạn nên yêu cầu kiến trúc sư thể hiện rõ những vấn đề về kỹ thuật như bảng vẽ kết cấu, hệ thống điện, hệ thống nước, hệ thống viễn thông, số liệu vật tư chính xác, phù hợp với không gian nội thất của ngôi nhà và hồ sơ dự toán thi công. Nắm rõ những thông số đó, bạn sẽ có đầy đủ thông tin theo sát nhà thầu xây dựng, từ đó phác thảo một bộ hồ sơ càng chi tiết, bạn càng dễ kiểm soát và hạn chế tối đa vấn đề phát sinh.
Nếu bạn chưa có kinh nghiệm xây dựng, hãy tìm một đơn vị tư vấn xây dựng chuyên nghiệp luôn đứng về phía bạn, bảo vệ quyền lợi cho bạn, là cầu nối giữa kiến trúc sư và bộ phận thi công công trình. Đơn vị này có thể giám sát bên thi công và thường xuyên theo dõi tiến độ công trình thay cho bạn, giúp giảm thiểu rủi ro khi xây dựng, hạn chế phát sinh chi phí, đồng thời bảo đảm chất lượng công trình.
Kiến trúc sư Phạm Ngọc Thiên Ân