Theo sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11 (tập một, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2010), Nguyễn Khuyến (1835-1909), hiệu Quế Sơn, lúc nhỏ tên là Nguyễn Thắng. Quê ông ở Ý Yên, Nam Định, nhưng sống chủ yếu ở huyện Bình Lục, Hà Nam.
Xuất thân trong gia đình nhà nho nghèo, ông đỗ đầu kỳ thi Hương năm 1864. Sau mấy lần thi trượt, đến năm 1871 ông đỗ đầu cả thi Hội và thi Đình. Do đỗ đầu cả ba kỳ thi nên Nguyễn Khuyến được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ.
Đỗ đạt cao những Nguyễn Khuyến chỉ làm quan hơn 10 năm, phần lớn cuộc đời dạy học và sống thanh bạch ở quê nhà. Nguyễn Khuyến có tài, có cốt cách thanh cao, tấm lòng yêu nước, bày tỏ thái độ cương quyết không hợp tác với chính quyền thực dân Pháp.

Bức tượng đá tạc hình nhà thơ tại Khu di tích Từ đường Nguyễn Khuyến, Hà Nam. Ảnh: Trần Quang Chiến.
Sáng tác của Nguyễn Khuyến gồm cả chữ Hán và chữ Nôm với số lượng lớn, hiện còn trên 800 bài gồm thơ, văn, câu đối, nhưng chủ yếu là thơ. Thơ ông nói lên tình yêu quê hương, đất nước, gia đình, bạn bè; phản ánh cuộc sống của những con người cùng cực, thuần hậu, chất phác; châm biếm, đả kích thực dân xâm lược, tầng lớp thống trị.
Đóng góp nổi bật của thơ Nguyễn Khuyến cho nền văn học dân tộc là ở mảng thơ Nôm, viết về làng quê và trào phúng. Theo Từ điển Văn học Việt Nam - từ nguồn gốc đến hết thế kỷ 19, thơ chữ Hán của Nguyễn Khuyến được giới sành thạo đánh giá rất giá trị.
Nhiều trường hợp, ông tự dịch ra thơ Nôm, tạo thành những văn bản độc lập so với nguyên tác. Ông cũng được coi là bậc thầy của tiếng Việt; nhiều bài thơ đạt đến trình độ cổ điển của tiếng Việt tính từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20.