Giữa trưa 14/3, ông Cao Văn The (55 tuổi, xã Phú Phong, huyện Châu Thành) kéo đoạn ống dẫn nước từ nhà hơn 100 m ra bờ sông Tiền, sau đó thả ống vào chiếc ghe chở 8 khối nước đầy ắp đang đỗ sẵn dưới bến sông. Nước từ ghe được bơm vào bao ao trữ sẵn trong vườn sầu riêng 5.000 m2 đang trong tình trạng chết khát gần 2 tháng nay.
Diện tích sầu riêng nhà ông The đã được 3 năm tuổi, dự kiến phải 2 năm nữa mới bắt đầu cho trái. Tuy nhiên, do năm nay mùa hạn mặn đến sớm, xâm nhập sâu và kéo dài, nên ao trữ cạn khô, cây thiếu nước, bắt đầu trổ bông bất thường, ông phải hái bỏ đi để dưỡng sức cho cây.
"Mấy hôm nay, xã có làm ao dã chiến trữ nước ngọt cấp miễn phí, nhưng do nhà xa hơn một km, xe ba gác không thể vào đến, tôi phải thuê ghe chở nước ngọt mỗi chuyến 8-10 khối, giá 700.000 – 1 triệu đồng", ông The nói.
Tuy nhiên, do lượng nước hỗ trợ có hạn, nên sau khi bơm vào các ao trữ, bình quân ba ngày một lần, ông The chỉ dám bơm nước vào bình phun thuốc tưới sơ qua vườn sầu riêng để tiết kiệm nước tối đa.
Nhiều nhà khác ở xa trung tâm xã, không có điều kiện thuê ghe chở nước như ông The chỉ còn biết để sầu riêng chết khát, lá rụng dần, mong mưa đến sớm hồi sinh.
Cách nhà ông The một km, giữa trưa nắng, hàng chục xe ba gác vẫn đang xếp hàng nối đuôi nhau chờ đến lượt bơm nước ngọt từ ao dã chiến rộng khoảng 500 m2 bằng bạt nhựa, sức chứa khoảng gần 1.000 khối, vào bồn chở đến các vườn sầu riêng.
Ông Nguyễn Quốc Điền, Chủ tịch UBND xã Phú Phong cho biết, toàn xã có trên 700 ha, cây ăn quả, trong đó có 200 ha sầu riêng. Năm nay, hạn mặn trên địa bàn kéo dài, các sông chính đều bị nhiễm mặn, làm cây trồng bị ảnh hưởng, có 4 ha sầu riêng đã chết khô.
Do cây sầu riêng chịu hạn mặn kém, nên được ưu tiên hỗ trợ nước trước các giống cây còn lại. Toàn xã có khoảng 800 hộ dân có nhu cầu lấy nước ngọt tưới vườn, nên xã phải dùng các phiếu cấp nước quản lý.
Theo chế độ hỗ trợ, 1.000 m2 sầu riêng 5 năm tuổi sẽ được hỗ trợ 2 khối nước trong thời hạn 10 ngày, sầu riêng dưới 5 năm tuổi chỉ được hỗ trợ một khối. Nước ngọt được các sà lan chở từ thượng nguồn sông Tiền tại Đồng Tháp, sau đó bơm lên các ao dã chiến.
"Nước ngọt được cấp miễn phí, nhưng do điều kiện vận chuyển của người dân có hạn, nên phải thuê xe ba gác chở đến vườn với chi phí 50 – 70 nghìn đồng một khối tùy đường xa, xã đang tiếp tục yêu cầu các xe giảm giá để chia sẻ khó khăn với người dân", ông Điền nói.
Tỉnh Tiền Giang là "thủ phủ" cây sầu riêng, với tổng diện tích hơn 12.000 ha, tại Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy và Châu Thành đang trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.
UBND tỉnh Tiền Giang vừa có quyết định cung cấp nước ngọt miễn phí để người dân cứu vườn cây. Dự kiến, thời gian hỗ trợ nước ngọt tại các ao dã chiến trên địa bàn đến hết tháng 4, tổng lượng nước khoảng 1,3 triệu mét khối, kinh phí 37 tỷ đồng.
Hạn mặn năm nay vượt mốc lịch sử 2016, xâm nhập vào hệ thống các sông lớn cũng sâu hơn, gây thiệt hại gần 40.000 ha lúa đông xuân toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khoảng 95.000 hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt.
Dự báo của ngành chức năng, trong tuần tới mặn tiếp tục tăng cao, kéo dài đến tháng 4, có nhiều nhánh sông nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào đất liền đến 100 -110 km tính từ cửa sông như Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây (Long An).
Một tuần trước, 5 tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau đã công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Chính phủ cũng vừa đồng ý hỗ trợ 5 tỉnh này 350 tỷ đồng để chủ động ứng phó.
Đợt hạn mặn lịch sử bốn năm trước (100 năm mới lặp lại) khiến 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng. 10 trong số 13 tỉnh, thành phải công bố thiên tai.
Hoàng Nam