Xã Phù Đổng cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía đông bắc. Không chỉ nổi tiếng với khu di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng và lễ hội Gióng - di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận, xã còn được biết đến là thủ phủ hoa giấy miền Bắc với diện tích gần 150 hecta.
Vào thập niên 1990, Phù Đổng chỉ có vài hộ mày mò trồng hoa, cây cảnh trên đất vườn như một nghề phụ. Hoa giấy thời đó có vài màu đơn điệu. Khoảng 10 năm gần đây, người dân nhập thêm hoa màu mới từ Thái Lan, Ấn Độ về để chiết ghép vào cây bản địa, một thân cây nhưng có 5 màu. Giống hoa cũng có nhiều loại như: hoa giấy Thái, cẩm thạch, hoa giấy Mỹ, vạn hoa lầu...
Đến nay, số hộ làm nghề trồng hoa, cây cảnh tại Phù Đổng đã lên hơn 450, tạo việc làm cho khoảng 1.000 người. Ngoài những chậu hoa giấy uốn nắn đơn giản, nhiều hộ ở Phù Đổng còn làm khung sắt, tạo tác thành nhiều dáng thế như dáng đổ, trực, hoành, huyền, nghinh phong, hay hình cây thông bán dịp Noel.
Giữa mảnh vườn rực sắc hoa, anh Nguyễn Duy Lưu chạy tới chạy lui chăm sóc hơn 1.000 chậu hoa giấy. Để cho ra cây hoa thành phẩm cao hơn 2 m, anh Lưu phải mất ít nhất 5 năm, trong đó 4 năm chăm sóc phần thân, năm còn lại ghép hoa và uốn nắn theo khung sắt đã định trước. Do mất nhiều thời gian, loại này trong mỗi nhà vườn chỉ có khoảng trăm chậu.
Anh Lưu cho biết tùy vào kiểu dáng, độ bề thế của cây mà giá dao động từ vài trăm nghìn tới 5 triệu đồng. "Đây là giá bán buôn, về tới khách hàng có thể được đẩy cao hơn", anh Lưu nói. Hoa giấy Phù Đổng hiện chủ yếu phục vụ thị trường miền Bắc và Trung, số ít nhà vườn đã xuất khẩu hoa sang Lào, Malaysia.
Là một trong những hộ đầu tiên trồng hoa giấy ở Phù Đổng, ông Đào Công Khoa cho hay loài này dễ trồng, ít sâu bệnh, hàng ngày chủ yếu là tưới nước và thêm phân, không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, nếu hoa đào, hoa mai chỉ nở dịp Tết thì hoa giấy nở quanh năm và rất bền, ít rụng cánh khi vận chuyển đi xa. Mỗi đợt ra hoa có thể kéo dài hơn hai tháng.
Đợi tới khi hoa tàn, ông Khoa sẽ cắt bỏ hoa, lấy dây thép buộc lại dáng thế ban đầu. "Châm thêm phân thì khoảng một tháng sau hoa lại nở", ông Khoa nói.
Theo ông Trần Xuân Tĩnh, Chủ tịch xã Phù Đổng, hoa giấy hiện mang lại nguồn thu nhập ổn định cho xã với khoảng 900 triệu đồng/ha, gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Do số hộ trồng nhiều, lại có truyền thống 30 năm nên tháng 11/2020, xã Phù Đổng được công nhận làng nghề cây cảnh hoa giấy.
Người dân đang chủ yếu trồng bằng kinh nghiệm, trồng hoa để bán, chưa tính tới các lợi ích khác. "Vì thế chúng tôi đang động viên bà con xây dựng những nhà vườn du lịch sinh thái để hút du khách tham quan. Hy vọng 1-2 năm tới sẽ có điểm du lịch sinh thái trên những vườn hoa giấy", ông Tĩnh nói.
Việt An