Ngày cuối tháng 8, căn nhà nhỏ trong con hẻm ở xã Ia Le, huyện Chư Pưh suốt cả buổi sáng không một bóng người. Cánh cửa mở toang, bên trong nhà, đồ đạc sơ sài, vài bộ áo quần vương vãi trên giường, ghế..., trên tường, một bức ảnh thờ, hương khói đã tàn lạnh.
Xung quanh căn nhà gỗ mục rộng chừng 50 m2, cỏ dại mọc um tùm lẫn trong vài chục trụ tiêu còi cọc, vàng vọt, hoang tàn. Cạnh đó, đàn dê 20 con được nuôi nhốt trong cái chuồng chật hẹp, thỉnh thoảng kêu vì bị bỏ đói.
Giữa trưa, bà Nguyễn Thị Khuyến (55 tuổi) trong bộ quần áo lao động lấm lem, lật đật chạy về nhà, bà ăn uống qua loa trước khi quay lại vườn thu hoạch mì. Người phụ nữ có tấm lưng khòm trên hình hài gầy guộc, khuôn mặt khắc khổ, già nua ấy từng là chủ căn nhà này, nhưng nay nó đã thế chấp cho ngân hàng. Hai mẹ con bà chỉ sống nương nhờ, chờ ngày dọn ra ngoài khi căn nhà có chủ mới. Nhưng bà cũng chưa biết ở đâu.
Điều khiến bà Khuyến lo lắng nhất lúc này là làm sao thu hoạch xong rẫy mì, kiếm tiền gửi cho đứa con trai lớn 24 tuổi đang mắc kẹt vì dịch ở Đà Nẵng. Song khu vườn bị ngập úng sau vài trận mưa, bệnh khảm lá hoành hành, bà ước một ha rưỡi mì vụ này chỉ lãi được 4-5 triệu đồng. "Mảnh đất đó là tải sản duy nhất, nuôi sống ba mẹ con suốt những năm qua", bà Khuyến nói.
Từ Thanh Hóa vào Gia Lai lập nghiệp từ năm 1996, được bao nhiêu tiền dành dụm, vợ chồng bà Khuyến dồn mua 3 ha đất và dựng cái lán để ở. Hai vợ chồng nghèo quần quật làm lụng cả ngày trên nương chăm đậu, ngô. Nhờ đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi, mùa màng bội thu, bốn năm sau họ làm được căn nhà gỗ.
Năm 2011, giá tiêu đạt 120.000 đồng một kg, nông dân Tây Nguyên bắt đầu mở rộng diện tích, phá bỏ cà phê, cây trồng ngắn ngày, chuyển sang trồng "vua của các loại gia vị". Riêng Chư Pưh, diện tích trồng tiêu tăng lên 2.800 ha.
Bà Khuyến nhớ rõ khung cảnh mùa mưa năm đó, con đường đất dẫn vào rẫy ầm ĩ tiếng công nông chở phân, trụ và tiêu giống. Các cây trồng họ cho là "ít giá trị" nhanh chóng bị bứng bỏ và cắm xuống đất hàng nghìn trụ tiêu với hy vọng đổi đời.
Ở trên đường, trước ngõ hay trong các quán nước, thỉnh thoảng người ta truyền tai nhau, hôm kia ở làng bên có người mới xây xong căn biệt thự vài tỷ, hay gia đình nọ mới mua chiếc ôtô, hoặc mở rộng diện tích với chục nghìn trụ tiêu.
Vợ chồng bà Khuyến cũng không ngoại lệ. Họ thế chấp nhà đất, vay 800 triệu đồng, đầu tư trồng 2.000 trụ tiêu. "Đó là quyết định sai lầm nhất, đẩy gia đình xuống vực thẳm", bà Khuyến tỏ ra hối hận.
Sau ba năm trồng, vườn tiêu nhà bà đã được 500 kg hạt, năm sau thu 1,2 tấn. Mùa mưa năm 2015, khi giá tiêu đạt đỉnh 270.000 đồng một kg, cũng là lúc dịch bệnh bắt đầu lây lan. Buổi tối bà Khuyến thấy vài chiếc lá tiêu nhuốm vàng, sáng hôm sau đã lan nhanh từ gốc này sang gốc kia, rồi cả khu rẫy. Có bao nhiêu tiền, bà mua thuốc, phân để cứu cây..., cuối cùng 2.000 trụ tiêu chết không còn một nhánh.
Hai năm sau, một đêm, chồng bà qua đời. Một thân một mình, biết không khả năng trả nợ gốc và lãi 70 triệu đồng một tháng, bà ra tòa, giao hết tài sản cho ngân hàng.
Còn 1,5 ha đất chưa thế chấp, bà cùng đứa con trai út 21 tuổi những năm qua trồng mì, ngô, rau. Buổi chiều, bà mang rau ra chợ bán, kiếm 50.000-100.000 đồng. Người con lớn làm sửa chữa ôtô ở Đà Nẵng, lương tháng chỉ đủ tiền ăn. Nhưng nay dịch bệnh, không có việc bà hàng tháng phải gửi tiền cho con chi tiêu.
Theo dữ liệu của Hiệp hội hồ tiêu thế giới, từ năm 1990 đến 2000, Việt Nam liên tục mở rộng diện tích vùng trồng. Bước vào thế kỷ 21, Việt Nam đoạt ngôi vị nhà sản xuất số 1 thế giới. Năm 2001, cả nước có 35.000 ha hồ tiêu. 15 năm sau, diện tích trồng tiêu đạt 86.000 ha.
Năm 2015, Gia Lai được xem là thủ phủ hồ tiêu Tây Nguyên, với hơn 14.000 ha cũng là lúc dịch bệnh bắt đầu lây lan. Nông dân trồng tiêu ở huyện Chư Pưh, Chư Sê không thể ngờ rằng, toàn bộ gia sản sau nhiều năm tích góp của họ bị cơn mưa lớn kéo dài "cuốn trôi" nhanh chóng.
Đất đai ngập úng sau mưa, các loại nấm bệnh phát triển. Chỉ trong vòng một tuần, bạt ngàn hồ tiêu xanh mướt bị nhuốm màu xám xịt, xơ xác. Lá tiêu rụng đầy quanh gốc, dây khô khốc còn bám trên những cái trụ bêtông mới. Những gương mặt hớn hở hôm nào bây giờ rầu rĩ, lo âu.
Ngành chức năng đã vào cuộc nhưng vẫn không cứu được. Chính quyền năm đó giải thích rằng, nguyên nhân chính của bi kịch hồ tiêu, do thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh bùng phát mạnh. Bên cạnh đó, nông dân đã phớt lờ cảnh báo, chạy theo lợi nhuận, ồ ạt mở rộng diện tích canh tác ở vùng trũng, dễ ngập nước.
Mùa mưa năm 2017, khi giá hồ tiêu liên tục lao dốc, từ 200.000 đồng xuống dưới 100.000 đồng một kg, hàng chục nghìn nông dân Tây Nguyên lâm vào cảnh điêu đứng vì nợ nần, thậm chí phá sản. Đặc biệt ở huyện Chư Pưh, nhiều "đại gia hồ tiêu" bán đất, nhà, rẫy để trả nợ. Có người phải vào TP HCM, Bình Dương làm công nhân, thậm chí qua Lào hay Campuchia để trốn nợ tín dụng đen.
Theo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Chư Pưh, năm 2019, có hơn 5.300 người đi làm việc ngoài tỉnh, trong đó trên 4.300 lao động rời quê do "mất mùa, nợ nần".
Cách nhà bà Khuyến khoảng 2 km, ông Phạm Hùng Sơn, 73 tuổi, ngồi uống trà trên bộ bàn ghế đặt ở hiên, nhìn ra khoảng sân đầy nắng, nơi người vợ đang phơi nông sản. Căn biệt thự rộng thênh thang, vắng vẻ, chỉ có hai ông bà già. Đứa con trai duy nhất, sống cùng vợ con ở căn nhà bên cạnh.
Như bao nông dân Chư Pưh khác, "cơn lốc vàng đen" đã đẩy vợ chồng ông Sơn xuống vực thẳm nợ nần. Từ Huế vào Chư Pưh năm 1980, trong trí nhớ của ông Sơn, năm đó vùng đất đỏ bazan màu mỡ, trồng cây gì cũng tươi tốt. Năm 2004, ông trồng 3.000 trụ tiêu. 10 năm sau, từ lợi nhuận cây tiêu, vay mượn thêm ông xây căn nhà 1,8 tỷ đồng và mở rộng diện tích, trồng thêm 1.000 trụ tiêu.
Ông Sơn tin rằng, với giá tiêu lúc đó, chỉ trong vòng một đến hai năm, gia đình có thể trả hết số nợ. Song người tính không bằng trời tính. Năm 2015, 4.000 ha tiêu của gia đình ông chết khô. Không còn cách cứu, vợ ông vào Sài Gòn mưu sinh bằng nghề rửa bát thuê.
Tuổi già sức yếu, không bám trụ nổi, năm ngoái vợ ông đã trở về quê nhà. Nợ gốc và lãi đến nay đã trên 2 tỷ đồng, nhưng hai vợ chồng không còn khả năng trả. "Đất nhà đã thế chấp, vợ chồng tôi chỉ ở tạm bợ, khi nào ngân hàng lấy thì chỉ còn cách ra ngoài thuê nhà ở", ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Long Khánh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Chư Pưh cho biết, năm 2015, dịch bệnh bắt đầu bùng phát, lan rộng khiến cả nghìn ha hồ tiêu chết khô, từ diện tích 2.800 giai đoạn 2014 -2015, nay giảm xuống còn một nửa. Những vườn tiêu chết đã được chuyển đổi sang trồng ngô, mì, cà phê... Tuy nhiên, năm xưa nông dân trồng tiêu quá lạm dụng thuốc, phân hóa học khiến vùng đất này ít nhiều bị ô nhiễm, nhiều vườn ngô, mì bị dịch bệnh, ngập úng, giảm năng suất.
Vừa rồi nghe giá tiêu tăng 70.000-80.000 đồng một kg, ông Sơn mua giống trồng lại, với hy vọng kiếm chút tiền để vợ chồng trang trải cuộc sống. Nhưng cả 100 cây tiêu giống bây giờ chỉ còn vài chục cây sống sót. Còn mẹ con bà Khuyến hiện vẫn chưa biết trồng cây gì, sau vụ mì thất bát.
Trần Hoá