Ngay khi nghe tin thành phố có thể gặp lũ, Yu chạy ngay tới nhà xưởng, còn chồng cô vội đến cửa hàng thu xếp hàng hóa. Hai vợ chồng và nhân viên làm cả ngày, di chuyển đĩa, ấm trà, cốc, những mặt hàng tinh xảo khác lên kệ và sàn cao hơn.
Nhưng khi nước ập đến qua một nhánh sông Trường Giang chảy qua thành phố gốm sứ có lịch sử hơn 1700 năm ở phía đông tỉnh Giang Tây, nó đã tràn qua đê điều, quét qua hàng trăm nhà xưởng và cửa hàng, bao gồm cơ sở của Yu, trước khi rút đi vào hôm sau.
Khi quay lại cửa hàng và nhà xưởng hôm 15/7, Yu thấy mọi thứ đều đầy bùn đất. Nước lũ dâng tới hai mét, toàn bộ nhà máy bị nhấn chìm. Nhiều kệ hàng rơi xuống, khiến cốc chén vỡ hết, còn lò nung úng ước. Bình gas dùng để đốt lò bị cuốn trôi. Bùn đất và rác rưởi khắp nơi.
"Nhà máy có lẽ phải đóng cửa cả tháng để dọn dẹp", Yu nói.
Đây là cú giáng thứ hai vào ngành công nghiệp sản xuất gốm sứ của Cảnh Đức Trấn năm nay, khi cả thành phố đang quay cuồng khắc phục hậu quả Covid-19.
Lũ di chuyển về hướng đông dọc sông Trường Giang, dâng cao bởi mưa lớn theo mùa và đang gây ảnh hưởng tới 27 tỉnh, khiến hơn 34 triệu người bị ảnh hưởng, ít nhất 141 người chết hoặc mất tích.
Riêng tại Giang Tây, hơn 6,42 triệu người bị ảnh hưởng tính đến 14/7, từ khi lũ quét qua hôm 6/7. Chính quyền ước tính thiệt hại kinh tế lên tới 1,7 tỷ USD.
Khi lũ tiếp tục hành trình không ngừng về phía đông, người dân tại các thành phố như Cảnh Đức Trấn đang bắt đầu dọn dẹp và tính toán tổn thất. Yu là một trong hàng nghìn chủ doanh nghiệp hộ gia đình trong thành phố, những người sản xuất gốm sứ trong xưởng riêng và bán cho khách hàng khắp nơi trên thế giới suốt nhiều năm.
Suốt những địa điểm nổi tiếng như "con đường gốm sứ" hay "làng gốm sứ" trong thành phố, chủ các cửa hàng đang bận bịu trước cửa, rửa sạch bùn đất từ chén bát còn sót lại, cứu lấy những gì còn dùng được.
"Cửa hàng tôi biến thành một cái ao cá", chủ một cửa hàng vừa nói vừa lấy máy bơm hút nước khỏi cơ sở kinh doanh.
Tuy đồ gốm sứ có thể rửa sạch, nhưng giấy gói, màu vẽ, kệ gỗ và những sản phẩm khác, lại không thể. Các chủ cửa hàng cùng nhau dọn rác lên xe tải suốt tuần qua.
Ning Zhongwei mở cửa hàng Yunchun Kiln đã 5 năm, việc kinh doanh ổn định nhờ doanh số 100 bộ tách trà mỗi tháng. Ông xây dựng được mạng lưới khách hàng trung thành, bao gồm nhiều người là chủ quán trà ở những tỉnh khác.
"Chúng tôi tập trung vào chất lượng và phát triển hướng đi riêng", Ning nói.
Sản phẩm được đánh giá cao nhất của Ning là tách trà sử dụng công nghệ Doucai. Công nghệ này có từ ba thế kỷ trước, tạo ra rất nhiều lớp trang trí phức tạp.
"Nó đòi hỏi sử dụng ba kỹ thuật khác nhau và nung trong nhiều lò khác nhau với nhiệt độ, thời gian phù hợp", ông nói.
Nhưng khi Covid-19 bùng phát hồi tháng 1, những món đồ quý giá này cũng phải xếp xó trong kho vì chính quyền yêu cầu các nhà xưởng ở Cảnh Đức Trấn phải đóng cửa ba tháng.
Khi Ning mở cửa lại hồi tháng 5, doanh số giảm 70%.
"Mọi thứ đều theo hiệu ứng cánh bướm", ông nói. "Không có khách du lịch, khách hàng của tôi không bán được trà, nên cũng ngừng mua tách. Chúng tôi không có tiền nên cũng không ăn hàng nữa".
Nó trở thành chủ đề chính trong mọi câu chuyện mỗi khi ông tâm sự với bạn bè cùng ngành. Những người lạc quan nói rằng việc kinh doanh sẽ từ từ khôi phục, còn những người khác lo ngại quá trình ấy mất ít nhất ba năm.
Với Yu, ảnh hưởng của trận lũ khiến cô đang cố tìm cách cứu việc làm ăn của gia đình. Cô đang nghĩ tới việc bán hàng trực tuyến, bởi từ khi Covid-19 bùng phát, nhiều cửa hàng bán quần áo và đồ ăn đã đưa sản phẩm lên mạng. Nhưng đồ sứ thì khác, có thể sẽ khó khăn hơn nhiều vì giá cao hơn so với số tiền mà những người mua hàng trực tuyến sẵn sàng chi trả.
Bây giờ cô đang tập trung vào dọn dẹp và tính toán tổn thất trước khi lên kế hoạch.
"Chúng tôi mới bắt đầu sản xuất lại hồi tháng 5, giờ lại phải đóng cửa. Hết xui xẻo này đến xui xẻo khác ập tới", Yu nói, thở dài, trước khi quay lại với công việc dọn dẹp.
Hồng Hạnh (Theo SCMP)