Họ khoác ngoài áo kimono, như một cách thỏa hiệp với những quy tắc đạo đức mới đang len lỏi ở thành phố được mệnh danh là "thủ phủ đồng tính" của Trung Quốc. Tuy nhiên, ở những nơi khác của Thành Đô, những cô gái trẻ vẫn nằm dài trên ghế sofa da uống bia tại một câu lạc bộ đồng tính nữ, trong khi quán bar gần đó đang tổ chức chơi mạt chược dành cho cộng đồng LGBTQ.
Khác với sự soi xét gắt gao ở Bắc Kinh, thành phố phía tây nam được thanh niên Trung Quốc gọi là "Gaydu" và từ lâu đã tự hào là một thiên đường an toàn cho cộng đồng người đồng tính, vốn luôn bị kỳ thị và quấy rối ở những nơi khác tại nước này.
Các nhà hoạt động cho hay chính quyền đang siết chặt một số thành phố tự do tình dục trên khắp đất nước. Tuy nhiên, cộng đồng LGBTQ (đồng tính nữ, đồng tình nam, song tính, chuyển giới và đa dạng giới hoặc chưa rõ giới tính) ở Thành Đô chưa sẵn sàng để vào khuôn khổ.
"Có một số sự chấp nhận ngầm từ các nhà chức trách, nhưng nó rất tế nhị", Matthew, một nhà hoạt động thuộc tổ chức phi chính phủ Rainbow Thành Đô, nói.
Matthew cho hay công thức để tồn tại là "đạt được những tiến bộ nhỏ" chứ không phải là những tuyên bố lớn về chính trị và xã hội làm chao đảo các nhà chức trách siêu nhạy cảm của Trung Quốc.
Không khí hoang mang bắt đầu lan rộng ở Thành Đô vào tháng 10, khi Câu lạc bộ MC đóng cửa sau những bức ảnh khiêu dâm được đăng lên mạng và truyền thông địa phương đưa tin rằng việc lây nhiễm HIV có liên quan đến các bữa tiệc tình dục được cho là diễn ra tại phòng tắm hơi của câu lạc bộ này.
Một số người trong cộng đồng đồng tính cho rằng sự gia tăng đột biến về số lượng du khách LGBTQ trong nước, vốn không thể ra nước ngoài vì đại dịch Covid-19, đã thu hút sự chú ý không mong muốn từ chính quyền thành phố.
Các quán bar lớn dành cho người đồng tính nam đã tạm thời bị đóng cửa để kiểm soát cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Một nhà hoạt động cho biết sau đó, tất cả các tổ chức LGBTQ của thành phố bất ngờ bị điều tra.
Người đồng tính ở Trung Quốc vẫn gặp phải sự phân biệt đối xử và thiếu các biện pháp bảo vệ pháp lý. Năm 2001, nước này vẫn coi đồng tính là một bệnh tâm thần. Hôn nhân đồng tính chưa được pháp luật công nhận, bất chấp sự kêu gọi ngày càng nhiều, đặc biệt là từ thế hệ trẻ.
Những trở ngại lớn đã ngăn cản bước tiến của họ. Hồi tháng 8, ShanghaiPRIDE, lễ hội LGBTQ hàng năm lâu đời nhất của Trung Quốc, đột ngột thông báo ngừng hoạt động vì "sự an toàn của tất cả những người tham gia". Không có lời giải thích nào được đưa ra, nhưng có rất nhiều tin đồn rằng ban tổ chức chịu áp lực khi cộng đồng LGBTQ bị gò bó trong các giá trị xã hội bảo thủ.
Đối với người dân địa phương, Thành Đô là thành trì cuối cùng. Họ nói rằng bầu không khí thân thiện với người đồng tính của thành phố bắt nguồn từ sự pha trộn của các dân tộc thiểu số và các nền văn hóa, cũng như khoảng cách khá xa với Bắc Kinh và sự khắt khe của tiêu chuẩn Trung Quốc chính thống.
Sự hấp dẫn của thành phố nằm ở "sự cởi mở của nó", nhà hoạt động Matthew, người có văn phòng được trang trí bằng cờ cầu vồng và áp phích có nội dung "Hãy tự hào, hãy là chính mình", nói.
"Mọi người ở đây thường không quan tâm xu hướng tình dục của bạn là gì", anh nói.
Trước khi đóng cửa, câu lạc bộ MC thu hút khoảng 1.000 người mỗi đêm, một nhà hoạt động cho biết. Danh tiếng của câu lạc bộ lan truyền khắp cộng đồng đồng tính của thành phố 16 triệu dân.
Một người cho biết anh từng sử dụng dịch vụ mát xa tình dục tại một phòng tắm hơi ở địa điểm này và tham dự một bữa tiệc trong bóng tối nơi mọi người đều được yêu cầu khỏa thân.
Cuộc hôn nhân đồng tính đầu tiên được biết đến rộng rãi ở Trung Quốc diễn ra ở Thành Đô vào năm 2010, một buổi lễ mang tính biểu tượng giữa hai người đàn ông vì hôn nhân đồng giới vẫn chưa có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, cộng đồng LGBTQ của Trung Quốc vẫn ẩn mình hơn so với nhiều nước châu Á tự do hơn.
"Vài năm trở lại đây, hệ tư tưởng chính thống trở nên gay gắt hơn và cộng đồng LGBT bị gạt ra ngoài lề xã hội hơn", Tang Yinghong, giáo sư giảng dạy tâm lý tình dục cho biết.
Tại câu lạc bộ Hunk, không có lá cờ cầu vồng nào và hầu hết thành viên trò chuyện nhẹ nhàng, nắm tay nhau. Các vũ công gần đây đã khoác thêm kimono vào bộ đồ của họ để tránh sự chú ý không mong muốn.
Thầy giáo Ray, người vừa chuyển đến Thành Đô năm nay, cho biết anh không thoải mái với giới tính thật của mình tại thành phố quê nhà Tây An. "Nhưng mọi người ở Thành Đô đều biết tôi là người đồng tính, sếp của tôi, một số cha mẹ học sinh của tôi, tất cả bạn bè của tôi", Ray nói.
Hongwei, thành viên của một tổ chức phi chính phủ Thành Đô, cho biết bí quyết để tồn tại là tránh vận động chính trị và xã hội ồn ào.
Thay vào đó, các nhóm LGBTQ trong thành phố tập trung vào các nhu cầu của cộng đồng như hỗ trợ tâm lý và giúp đỡ những người sắp công khai giới tính, trong khi một số nhóm báo cáo đầy đủ các sự kiện trong kế hoạch cho chính quyền để giữ mọi thứ minh bạch.
Tại một quán trà thời thượng ở trung tâm thành phố, các cặp đồng giới nép mình bên nhau trên những chiếc ghế đan và nhâm nhi những tách trà mà không bị bất kỳ ai soi mói.
"Chưa bao giờ có ai ở đây nói rằng tôi phải sống như thế nào", Hongwei nói, rót những tách trà xanh từ một chiếc ấm đen sành điệu. "Chúng tôi chỉ quản lý công việc kinh doanh của riêng mình ở đây và không can thiệp chuyện của người khác".
Anh Ngọc (Theo AFP)