Tỉnh Hòa Bình vừa công bố quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2035 với quy mô hơn 52.000 ha. Trong đó, ở giai đoạn 1, từ nay đến năm 2025, các cơ quan sẽ tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ du lịch. Những năm sau đó là giai đoạn đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình phục vụ định hướng này.
Thực tế, vài năm gần đây, Hoà Bình là địa phương thu hút nhiều dự án nghỉ dưỡng lớn, nhỏ, dựa trên những lợi thế du lịch của địa phương. Từ 3 năm trước, nhiều một số nhà đầu tư lớn đã hiện diện hoặc tiết lộ ý định phát triển các dự án lớn tại địa phương này như Vingroup, Phú Mỹ Hưng, T&T, Geleximco... Gần đây, Sungroup cũng đề xuất triển khai các dự án tại huyện Lạc Sơn và Kim Bôi. Một số dự án của Tập đoàn FLC tại TP Hoà Bình và huyện Yên Thuỷ cũng được chấp nhận phương án quy hoạch.
Đặc biệt, bên cạnh những chủ đầu tư lớn đang rục rịch kế hoạch triển khai, trong khoảng hơn một năm nay, một loạt các nhà đầu tư vừa và nhỏ công bố các dự án ở Hoà Bình, trong đó tập trung tại thành phố Hoà Bình, Lương Sơn, Kim Bôi, Kỳ Sơn, Đà Bắc, Lạc Sơn...
Dữ liệu của Kênh dữ liệu bất động sản Vhome cho thấy, hồi tháng 4/2021, Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hòa Bình – chủ đầu tư Khu công nghiệp Lương Sơn đã tham gia mảng bất động sản nghỉ dưỡng với việc ra mắt dự án Cullinan Hoa Binh Resort. Dự án có quy mô hơn 40 ha, ở khu vực hồ Hòa Bình với vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng, gồm 256 căn biệt thự du lịch và 120 phòng nghỉ condotel.
Một dự án dịch vụ vui chơi giải trí, khách sạn từng bị "treo" hơn 10 năm cũng được Công ty Cổ phần Thương mại Du lịch Kim Bôi (một thành viên thuộc Tập đoàn Apec) tiếp quản và triển khai với tên gọi mới là Apec Sky Villas Kim Boi. Dự án có quy mô gần 36 ha, nằm trong khu khoáng nóng xã Hạ Bì, huyện Lương Sơn. Chủ đầu tư giới thiệu dự án sẽ cung cấp ra thị trường hơn 1.000 sản phẩm căn hộ khách sạn.
Tập đoàn Việt Mỹ, doanh nghiệp trước đây chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ xuất nhập khẩu cũng tiến hành M&A để trở thành chủ đầu tư dự án Ivory Villas & Resort Hòa Bình. Dự án đang được mở bán có tổng diện tích 66 ha được chia thành 2 giai đoạn. Chủ đầu tư giới thiệu dự án có 4 phân khu với 450 sản phẩm biệt thự. Những căn hộ biệt thự sườn đồi có diện tích dao động từ 400m2 đến 1.000m2. Trong đó, giá chào bán căn biệt thự diện tích lớn nhất lên tới ở mức 23 tỷ đồng, xấp xỉ một triệu USD. Mức giá này có thể nói là cao chưa từng có trên thị trường bất động sản Hòa Bình.
Trước đó, An Thịnh Group, chủ đầu tư mới nổi cũng đang đầu tư tổ hợp khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng quy mô 60 ha ở thị trấn Lương Sơn. Dự án gồm 3 phân khu, với 587 biệt thự, 300 căn hộ khách sạn và 69 liền kề shophouse.
Một chủ đầu tư khác là Công ty Cổ phần Beru Group cũng đang triển khai dự án Parahills Hòa Bình Resort. Dự án nằm ở ở ven hồ Hòa Bình, xã Bình Thanh và xã Thung Nai, huyện Cao Phong có tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng bao gồm 135 căn biệt thự và khối khách sạn.
Hàng loạt chủ đầu tư nhỏ khác cũng công bố dự án mới tại địa phương này như Hoà Bình Center (TP Hoà Bình), La Viena Valley (Đà Bắc), La Saveur (Lương Sơn)... Một trong những đặc trưng hiện nay của thị trường bất động sản Hoà Bình sự nở rộ của các dự án quy mô vừa và nhỏ nở rộ, trong đó phân khúc sôi động nhất là nghỉ dưỡng.
Theo đánh giá của Vhome, xu hướng các doanh nghiệp địa ốc đổ về Hòa Bình đầu tư dự án nghỉ dưỡng cũng khiến giá bất động sản tại đây biến động liên tục trong suốt 2-3 năm qua.
Ông David Jackson – Tổng giám đốc Colliers Việt Nam nhận định, Hòa Bình có nhiều lợi thế để phát triển mạnh bất động sản nghỉ dưỡng với lợi thế về tự nhiên, đặc biệt là mạch khoáng nóng quý hiếm tại các huyện Kim Bôi, Lạc Sơn, Yên Thuỷ là lợi thế quan trọng để phát triển bất động sản sức khỏe. Bên cạnh đó, các khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn- Ngổ Luông, Thượng Tiến, Phu Canh Hang Kia- Pà Cò... lại rất thích hợp để phát triển loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Đây cũng là địa phương có những nét văn hóa bản địa đặc sắc.
Ngoài ra, theo chuyên gia này, việc nằm gần Hà Nội và cơ sở hạ tầng liên tục được cải thiện cũng giúp tiềm năng du lịch của Hoà Bình từng bước được khai thác hiệu quả hơn.
Trao đổi với Vhome, ông Phạm Ngọc Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản VME thừa nhận dòng tiền rót vào bất động sản Hoà Bình rất rõ rệt trong mấy năm gần đây. Sự phát triển của các dự án như tuyến Đại lộ Thăng Long – Hòa Bình, cao tốc Sơn La, các tuyến đường tỉnh... là một trong những tác nhân thúc đẩy làn sóng đầu tư nói trên.
Với diễn biến đó, theo ông Tùng, thị trường Hoà Bình đã có những cải thiện. Nếu như vào 3,4 năm trước, các dự án nghỉ dưỡng tại Hòa Bình vẫn còn khá nhỏ lẻ, manh mún với quy mô mỏ thì hiện nay nhiều chủ đầu tư đã chú trọng đến việc đầu tư bài bản những dự án lớn, có đơn vị vận hành uy tín hơn.
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng đánh giá, cuộc đổ bộ của nhiều doanh nghiệp địa ốc cùng các dự án quy mô đã thúc đẩy bất động sản nghỉ dưỡng và đất thổ cư ở đây được quan tâm hơn. Tuy nhiên, theo ông, hiện Hòa Bình vẫn ở trong giai đoạn đầu của làn sóng đầu tư, nên cần có những yếu tố tổng lực khác để thị trường tăng trưởng bền vững như quy hoạch bài bản, sự đồng bộ về hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch để hạn chế những đầu tư theo phong trào, tự phát.
Cũng bởi ở giai đoạn đầu nên ông Đính cũng đưa ra lưu ý đối với các nhà đầu tư nhỏ khi rót tiền vào thị trường này. Theo ông, người mua bất động sản Hoà Bình nên lựa chọn những dự án của chủ đầu tư uy tín, xác định đầu tư an toàn và dài hạn, không nên lao vào đầu tư "lướt sóng" đất rừng hoặc đất không rõ quy hoạch.
Ông Tùng cũng cho rằng nhà đầu tư khi rót tiền vào phân khúc nghỉ dưỡng tại Hoà Bình nên tìm hiểu vấn đề pháp lý của dự án, tiến độ triển khai của chủ đầu tư tốt, định hướng sản phẩm cạnh tranh. Đặc biệt, chuyên gia này nhấn mạnh nhà đầu tư nên chọn những dự án có đơn vị quản lý dự án chuyên nghiệp vì trước đây địa phương này chủ yếu các dự án nghỉ dưỡng nhỏ, chủ đầu tư tự vận hành nên hiệu quả kinh doanh chưa tốt.
Ngọc Diễm