Sáng 31/1 (tức 21 tháng Chạp), con đường nhỏ dẫn vào ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn nhộn nhịp với hàng dài xe tải vào ra thu mua cá chép để xuất đi TP HCM, Bình Dương và các tỉnh Tây Nguyên dịp ông Công, ông Táo.
Được xem là vựa cá chép lớn nhất Đồng Nai, năm nay xã Bắc Sơn có khoảng 30 hộ nuôi, ước tính cung ứng cho thị trường khoảng 50 đến 60 tấn cá chép các loại. Trong đó, nhiều nhất vẫn là cá chép đỏ dùng để cúng đưa ông Táo về trời theo phong tục Tết cổ truyền Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Hinh, ngụ ấp Sông Mây cho biết năm nay, gia đình ông thu hoạch gần một tấn cá, với mức giá dao động 55.000 đồng đến 65.000 đồng một kg, trừ các khoản đầu tư, gia đình thu về 30 triệu đồng.
Để chuẩn bị cho vụ Tết, ông cho hay chừng tháng 10 âm lịch đã phải xuống giống và chăm cho đến ngày thu hoạch. "Bình thường, người dân trong vùng chỉ nuôi cá thương phẩm, nhưng 20 năm trở lại đây nuôi thêm cá chép phục vụ cho nhu cầu cúng ông Táo nên cũng kiếm được chút thu nhập ăn Tết", ông Hinh nói.
Theo ông Trương Văn Đậu, Trưởng ấp Sông Mây, một hộ nuôi cá chép lâu năm, nuôi cá cúng ông Táo vừa có kinh tế vừa góp phần giữ gìn nét đẹp truyền thống trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt là kính trọng ông bà tổ tiên. Vì vậy mỗi năm, ông đều nuôi từ 2 đến 3 tấn cá chép. Cũng theo ông Đậu, thức ăn chủ yếu của loài cá này là rong rêu, sinh vật... nên chi phí thấp, tuy nhiên phải chú ý giữ vệ sinh nguồn nước để cá không bị nhiễm bệnh chết.
"Cá chép được thương lái thu mua trong hai ngày 21 và 22 tháng chạp để kịp đưa đi giao cho các chợ đầu mối lớn bán ra thị trường. Năm nay, người dân nuôi cá trúng mùa nên rất phấn khởi mặc dù giá giảm một chút so với năm ngoái", ông Đậu nói.
Các thương lái thu mua cá chép cho rằng cá nơi đây luôn được thị trường ưa chuộng vì có màu đỏ óng, to đều, không có đốm đen. Thông thường, trước lúc thả cá, người nuôi đã đặt hàng số lượng với mối quen hoặc các vựa, cơ sở thu mua cá trên địa bàn nên khá yên tâm về đầu ra.
Theo Hội Nông dân xã Bắc Sơn, toàn xã có hơn 100 hộ nuôi cá nước ngọt với diện tích hơn 300 ha, tập trung phần lớn tại cánh đồng lúa trước đây và một phần diện tích mặt nước hồ Sông Mây. Các loại cá phổ biến tại địa phương là trắm, chép, trôi, tra, ba sa... Không chỉ nuôi cá, nơi đây còn hình thành các cơ sở cung cấp cá giống, vựa phân phối cá hoạt động như chợ đầu mối chuyên về cá nước ngọt.
Phước Tuấn