Người gửi: Hai Nam
Gửi tới: Ban Ôtô Xe máy
Tiêu đề: Đôi điều bàn luận về qui định mới
Trong các qui định sắp ban hành về việc giảm lưu lượng xe máy, tôi thấy duy chỉ có qui định về thay đổi giờ làm là hợp lý, còn các qui định còn lại đều có những điểm bất cập và càng không phải là giải pháp lâu dài.
Tôi lấy ví dụ với nước Nhật, ở Tokyo hầu như gia đình nào cũng có ôtô, nhưng khi đi làm, phần lớn người dân đều sử dụng tàu điện vì tính tiện lợi của nó. Như vậy có thể hiểu rằng khi có hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, tự người dân sẽ giảm sử dụng các phương tiện cá nhân.
Còn ở nước ta, với tình hình hiện nay, xe bus không thể đáp ứng được (cả về số lượng cũng như tính tiện lợi, chưa kể đến thời gian có chính xác không), ngoài ra không còn phương tiện nào khác thì xe máy là lựa chọn tất yếu (còn ai có ôtô, tôi tin họ chỉ dùng đi chơi xa là chủ yếu, chứ đi làm thì cũng khá bất tiện).
Đối với phương án thu phí đối với xe vào nội đô: Tôi cũng đồng tình với ý kiến ông Đào Công Hải rằng phương án này không khả thi. Ngoài ra, nếu đứng chốt thu phí tại hai điểm vành đai, thì có thu phí với những người chỉ đi qua Hà Nội rồi đi đến các địa phương khác không? Nhưng quan trọng là giải pháp không triệt để vì mục đích chưa rõ ràng. Sẽ không có chuyện vì bị thu phí mà người dân lại không về Hà Nội (vì họ có việc thì mới phải về), như vậy không thể giảm được lưu lượng xe mà chỉ chuyển thời điểm tắc nghẽn mà thôi.
Việc thu phí với các xe ngoại tỉnh trong thành phố thì lại càng vô lí hơn vì chỉ gây thêm làn sóng phản đối trong người dân, mà mục đích giảm tắc nghẽn cũng không làm được (như tôi đã nói, người dân chỉ còn lựa chọn xe máy, dù bị thu phí họ cũng vẫn phải đi).
Như vậy, tôi chỉ muốn nhấn mạnh, một khi hầu hết người dân coi xe máy là lựa chọn tất yếu thì không thể giảm được bằng các biện pháp thu phí ở trên, họ sẽ nghĩ rằng tự nhiên phải đóng một khoản phí "trên trời" mà không hiểu vì sao. Ngoài ra còn ảnh hưởng đến quyền sở hữu, sự công bằng.... Điều nên làm, theo tôi là tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng, xây dựng các tuyến tàu điện, các cầu vượt, cải tổ làn đường, giáo dục ý thức giao thông trong người dân. Những việc như vậy sẽ cần rất nhiều ngân sách, nhưng nó có mục đích rõ ràng để toàn dân được biết và hưởng ứng. Như vậy toàn dân cùng hành động sẽ tốt hơn chỉ thu phí một bộ phận nhỏ lẻ (mà oan uổng).