Ông Lê Hiếu Đằng, Phó chủ tịch Mặt trận tổ quốc TP HCM: Xe máy không phải là thủ phạm chính dẫn đến ùn tắc nên việc UBND thành phố kiến nghị xem xét bổ sung sửa đổi các mức thu là không hợp lý.
Hiện nay, phương tiện giao thông công cộng không đáp ứng nhu cầu. Vì vậy dù tăng thuế trước bạ hay thu phí lưu hành hằng năm người dân vẫn phải bấm bụng đóng tất cả để có phương tiện đi lại, nên đây không phải là giải pháp căn cơ.
Nếu thu phí lưu hành xe máy theo mức 500 nghìn một năm, ôtô là 10 triệu đồng, lệ phí trước bạ tăng gấp đôi thì sẽ đẩy khó cho người dân. Không nên vì không đủ năng lực trong việc quản lý giao thông, thi công chây ỳ của các lô cốt, các giải pháp khác chưa hiệu quả... mà áp dụng chính sách kinh tế. Tôi phản đối việc thu các mức phí nói trên.
Thu phí xe cá nhân phải có lộ trình và cách làm thích hợp. Ảnh: Kiên Cường. |
Ông Bùi Công Minh, Phó trưởng phòng Phí và lệ phí, Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính: Bộ chưa nhận được đề xuất từ phía UBND TP HCM. Tuy nhiên, theo đánh giá cá nhân, nếu xét dưới cơ sở pháp lý và thực tế ở VN thì phương án thu phí lưu thông rất khó khả thi. Theo Pháp lệnh Phí và Lệ phí cũng như Nghị định của Chính phủ thì không có tên khoản phí này.
Nếu vì lý do ách tắc giao thông mà UBND muốn áp dụng phương án thì có thể kiến nghị Chính phủ cho phép bổ sung thêm khoản phí này vào Danh mục phí, lệ phí. Tuy nhiên, để làm được điều này cần xin ý kiến các bộ ngành và trình Chính phủ xem xét.
Thời gian qua, 2 phương tiện ôtô và xe máy đã gánh quá nhiều các khoản thuế như VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu và các loại phí, lệ phí (lệ phí trước bạ, phí đăng kiểm, phí xăng dầu, phí sử dụng đường bộ...). Do vậy, nếu áp dụng thêm khoản phí lưu hành thì tôi e rằng sẽ không nhận được sự đồng tình của đại bộ phận dân chúng.
Ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TP HCM: Không thể xem chủ trương thu phí lưu hành đối với xe máy, ôtô là "cây đũa thần" để giải quyết vấn nạn ùn tắc.
Trước thực tế TP HCM đang gia tăng phương tiện cá nhân với một tốc độ không kiểm soát nổi thì thành phố buộc phải tính tới bài toán kéo giảm nhưng cần phải có lộ trình và cách làm thích hợp.
Đối với loại xe gắn máy cần xem xét lại mức đề xuất vì nó liên quan đến đại đa số người dân, đến cuộc sống mưu sinh của hàng triệu triệu người, đừng để nó thành gánh nặng cho dân nghèo. Chỉ nên thu trên tinh thần "tích tiểu thành đại". Mỗi xe chỉ đóng vài ngàn một tháng, cả năm thành phố cũng có vài ngàn tỷ đồng để đầu tư vào dự án cầu đường nào đó. Việc thực hiện phải có sự đồng thuận của người dân và chỉ nên xem đây là sự huy động để người dân góp sức, chung tay chia sẻ.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện nghiên Quản lý Kinh tế Trung ương: Thu phí lưu thông với ôtô xe máy là một đề xuất không mới và từ trước đến nay chẳng khi nào nhận được sự ủng hộ của dân chúng.
Nếu UBND TP HCM thực hiện quyết liệt thì họ có thể đạt được mục tiêu đề ra là giảm ùn tắc, song đổi lại họ phản chấp nhận áp lực từ phía dư luận. Trong trường hợp không chịu được sức ép từ phía người dân thì để cho thị trường tự điều tiết.
Chỉ trong năm 2007 đến giờ, riêng UBND TP HCM đã có 3 lần đề nghị được thu bổ sung thêm khoản phí lưu thông. Điều này cho thấy một bức tranh màu xám là: Đường tắc và các phương án giải nguy cho đường cũng tắc theo.
Ông Phạm Xuân Mai - Trưởng khoa kỹ thuật trường Đại học Bách Khoa TP HCM: Hạn chế xe cá nhân là đúng và chế tài bằng cách thu phí là một biện pháp. Nhưng để thực hiện được vấn đề này, thành phố cần phải có lộ trình cũng như cam kết dùng số tiền thu được phát triển giao thông công cộng.
Để ý tưởng thành hiện thực, nếu áp dụng những hình thức như UBND TP HCM đề xuất thì sẽ gặp một loạt vấn đề khó giải quyết như việc thu phí lưu hành với xe thành phố thì xe tình khác giải quyết như thế nào.
Câu hỏi đặt ra là tăng phí trước bạ đồng loạt hay chỉ riêng thành phố. Nếu chỉ áp dụng ở một địa phương chắc chắn sẽ xảy ra hiện tượng mua xe tỉnh khác về TP HCM chạy cho đỡ tốn tiền.
Tháng 1/2007, Sở Giao thông công chính thành phố (nay là Sở Giao thông Vận tải) đã đề xuất thu phí môi trường để hạn chế xe cá nhân. Theo đó, xe máy phải đóng 10.000 đồng một tháng, ôtô đóng 200.000 đồng một tháng. Tháng 9/2007, Sở Giao thông công chính lại nhắc đến đề xuất này một lần nữa tại buổi làm việc với đoàn giám sát Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Lúc này, mức thu phí đã được tăng lên là 5 triệu đồng một năm với ôtô đang lưu hành và 10 triệu đồng một năm với ôtô mới. Đối với xe máy, mức đề xuất là 1-2 triệu đồng mỗi năm với xe máy đang lưu hành và 2-4 triệu đồng với xe máy mới. Khi đề xuất này vẫn chưa được cơ quan chức năng có ý kiến thì hai tháng sau, Cục đường bộ Việt Nam đề xuất thu phí quản lý với các phương tiện lưu thông giờ cao điểm tại TP HCM và Hà Nội. Các phương tiện lưu thông từ 6h30 đến 8h30 và 16h30 đến 19h sẽ phải nộp phí 20.000 đồng một ngày với ôtô và 10.000 đồng một ngày với xe máy. |
Kiên Cường - Hồng Anh