Các gia đình đều xách đến chùa một túi gạo khoảng một cân. Lễ xong, họ để gạo lại như một cái tâm góp vào chùa. Những người có điều kiện công đức thêm vài trăm nghìn, còn những người nghèo thì vài nghìn cho đến vài chục. Ở đây không có sự phân biệt giàu nghèo. Trước ban thờ, mọi người bình đẳng nguyện cầu những điều tốt lành cho một năm mới.
Ngôi chùa nhỏ này nằm ở đầu làng từ bao giờ, người già cũng không nhớ nổi. Dân làng chỉ biết chùa của cha ông để lại, tự bảo ban nhau quản lý.
Hơn chục năm nay, chùa có sư thầy về trụ trì. Theo thời gian, chùa cũng xuống cấp, tiền trùng tu xây dựng đều do nhân dân trong làng đóng góp và sư thầy đi kêu gọi công đức khắp nơi kinh phí.
Ở Bắc Bộ, hầu hết mỗi ngôi làng đều có một ngôi chùa như thế, là nơi gìn giữ các giá trị tâm linh của miền quê đó. Người làng chắc không bao giờ tưởng tượng ra, cái gì gọi là “nộp phí mới được lễ Phật”.
Nhưng cũng tại Quảng Ninh, có một không gian tâm linh lâu đời không được mang đời sống giản dị như thế. Đó lại là nơi thiêng liêng nhất: các ngôi chùa trên Yên Tử. Việc Quảng Ninh thu phí trước quần thể di tích Yên Tử sau 10 năm dừng thu đã gây xôn xao dư luận trong những ngày qua.
Tôi đã quay lại Yên Tử đến ba lần để ghi nhận quan điểm và ý kiến của người dân về việc này. Những người tôi hỏi, già có, trẻ có, trung tuổi có, nhưng hầu hết đều phản đối việc thu phí ở đây vì cho rằng không hợp lý. Họ nói: “Đi lễ chùa cũng phải nộp phí thì mất hết ý nghĩa. Mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng tâm linh. Việc xây dựng tu bổ chùa bằng tiền công đức nên việc thu phí ở đây là không hợp lý”.
Một số khác bày tỏ quan điểm: “Vậy người nghèo không có tiền là không được đến chùa lễ Phật sao? Hay đến Yên Tử rồi chỉ còn cách đứng ngoài cổng vái vọng vào?”.
Báo chí cũng ví von, việc thu phí ở Yên Tử không khác gì cái trạm “BOT nơi cửa Phật”. Đại đức Thích Đạo Hiển, Phó ban kiêm Chánh thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh khẳng định với tôi, người dân đến Yên Tử thì có đến 90% là đi lễ, chứ không phải tham quan vãn cảnh. Trong khi chính quyền lại ghi trong vé là “tham quan” nên sẽ làm sai lệch mục đích người dân đi lễ.
Việc tôn tạo ở Yên Tử trong nhiều năm qua được Giáo hội kêu gọi đầu tư xã hội hóa, tức là nguồn công đức của nhân dân. Phía Giáo hội quan niệm: người dân công đức để xây dựng trùng tu, vì vậy người dân phải được thừa hưởng.
So sánh với trạm BOT là một cách nói cường điệu, nhưng đúng là giữa “trạm thu phí Yên Tử” với nhiều trạm BOT có những sắc thái suy nghĩ chung. Những ngôi chùa ở Yên Tử nằm trong thắng cảnh rừng quốc gia, người dân muốn vào chùa lễ phật phải đi qua thắng cảnh. Nhưng rừng quốc gia Yên Tử rộng gần 3.000 ha thì không thể khoanh vùng một khu vực có chùa để thu phí được. Tại sao lại đặt trước cổng chùa một cái trạm thu phí, người dân thắc mắc. Cách suy nghĩ này, khá giống với điều mà các tài xế bức xúc với nhiều trạm BOT.
Sinh ra và lớn lên ở Quảng Ninh, cũng đã nhiều lần tôi đến Yên Tử và leo bộ lên đến chùa Đồng nơi cao nhất dãy Yên Tử - 1.068m so với mực nước biển. Với chiều dài đi bộ khoảng 6.000 m đường rừng núi, hàng chục nghìn bậc đá trơn trượt, đi hết hành trình phải mất nhiều giờ đồng hồ. Trong hành trình về cõi Phật, nhiều người già trên 80 tuổi cũng cố leo bộ lên đến chùa Đồng. Hầu hết họ đến Yên Tử là bằng cái tâm không ngại mệt nhọc vất vả, ai cũng phấn khởi vì được về với đất Phật. Họ tới đây, vì Yên Tử gắn liền với cuộc đời và tên tuổi, sự nghiệp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm, là Trung tâm Phật giáo của Việt Nam.
Khi được báo chí nêu câu hỏi về việc thu phí ở Yên Tử, lãnh đạo Bộ Văn hóa khẳng định tỉnh Quảng Ninh thu phí “đúng quy định” và đây cũng là chủ trương chung của một số địa phương để có nguồn kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích.
Nhưng trong thực tế, 10 năm qua, khu di tích Yên Tử không thu phí tham quan nhưng vẫn được đầu tư, tôn tạo từ nguồn vốn doanh nghiệp và công đức của khách thập phương.
Cũng giống như trong câu chuyện về nhiều trạm thu phí khác, những câu trả lời đầy tính nguyên tắc rằng mọi sự đã “đúng quy định”, “các địa phương khác cũng thế” và “Hội đồng nhân dân đã thông qua” không làm hài lòng những người dân phải rút tiền trả phí.
Câu hỏi của người dân rất rõ ràng về việc “đi lễ chùa” khác với “tham quan rừng quốc gia”; rằng trạm thu phí đang được đặt trước “cửa chùa” chứ không phải là trước “thắng cảnh”. Trước khi bàn đến đúng-sai, người dân chờ đợi một câu trả lời rõ ràng hơn từ nhà quản lý.
Những thắc mắc và hoài nghi trong lòng người đi lễ Phật, trong lòng người dân, là điều không đáng tồn tại dù một giây phút.
Minh Cương