Dự thảo Luật Đường bộ mới nhất chuẩn bị xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách (ngày 26-27/3) quy định thu phí sử dụng với phương tiện lưu thông trên cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác. Đó là các tuyến được đầu tư công và theo hình thức khác khi kết thúc hợp đồng đã chuyển giao cho Nhà nước.
Theo Ủy ban Quốc phòng - An ninh, nội dung này phù hợp với chủ trương của Quốc hội về phê duyệt đầu tư các tuyến cao tốc. Người đi trên cao tốc được hưởng nhiều lợi ích như tiết kiệm thời gian, chi phí vận tải, nhiên liệu, khấu hao phương tiện. Mức phí cao tốc sẽ phù hợp với chất lượng dịch vụ và căn cứ trên nguyên tắc "dịch vụ có chất lượng cao hơn thì phải trả chi phí cao hơn".
Bên cạnh đó, cao tốc do Nhà nước đầu tư đều có quốc lộ song hành, cho phép người tham gia giao thông có quyền lựa chọn sử dụng cao tốc hoặc quốc lộ. Vì vậy, quy định này là phù hợp, không dẫn đến phí chồng phí. Ủy ban đề nghị ban soạn thảo chỉnh sửa cho chặt chẽ và phù hợp với quy định sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Phí và lệ phí.
Trước khi xây dựng dự thảo Luật Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải từng nhiều lần đề xuất thu phí một số tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư. Đầu tháng 5, Bộ tính sẽ thu phí 9 tuyến cao tốc, gồm: TP HCM - Trung Lương; Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2.
Các tuyến trên dự kiến thu phí trong 5 năm, đến khi có pháp luật về thu phí cao tốc. Theo đề xuất trước đây của Bộ Giao thông Vận tải, giai đoạn 2021-2023, mức phí cao tốc Bắc Nam trung bình là 1.500 đồng một xe mỗi km; mỗi hai năm sẽ tăng 200 đồng đến giai đoạn 2030-2032; sau đó sẽ tăng 300 đồng mỗi hai năm lên mức 2.400 đồng giai đoạn 2033-2035.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết mức thu phí đáp ứng ba nguyên tắc: Phù hợp với lợi ích và khả năng chi trả của người sử dụng; sau khi bù đắp chi phí tổ chức phải đảm bảo còn dư để cân đối vào ngân sách Nhà nước; được tính toán theo từng đoạn, tuyến cụ thể để phù hợp với điều kiện khai thác, kinh tế xã hội từng khu vực.
Các cao tốc đầu tư bằng nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được phân chia theo tỷ lệ nguồn vốn tham gia vào dự án. Số tiền thu được nộp ngân sách Nhà nước và ưu tiên sử dụng cho đầu tư, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, thực hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với dự án đầu tư đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT.
Bộ Giao thông Vận tải cho rằng việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ giúp tăng thu ngân sách qua việc huy động nguồn lực từ người sử dụng cao tốc; góp phần tạo nguồn kinh phí để đầu tư phát triển hệ thống đường. Số tiền này cũng sẽ được dùng để quản lý, bảo trì cao tốc, là nguồn lực để thực thi chính sách phát triển hạ tầng giao thông.
Dự thảo Luật Đường bộ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 6 cuối năm 2023, dự kiến được xem xét thông qua tại kỳ họp giữa năm nay.