Video: Song Ngân
Bên hành lang Quốc hội ngày 22/5, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đề cập việc đổi tên trạm thu phí BOT thành "trạm thu giá". Ông lý giải, BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá; còn phí thì mang tính chất Nhà nước. Theo Bộ trưởng Giao thông, việc chuyển đổi này dựa trên quy định của Chính phủ.
Bình luận về đề xuất này, ông Nguyễn Minh Đức - chuyên gia chính sách công (Ban Pháp chế - Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng, việc đổi tên là “lỗi từ quá trình làm luật”. Theo ông Đức, hiện hệ thống văn bản pháp luật có 2 luật liên quan, đề cập vấn đề này là Luật Phí, lệ phí và Luật Giá.
Theo đó, Luật Phí & lệ phí định nghĩa, phí là khoản tiền trả cho dịch vụ công. Trước đây hệ thống hạ tầng đường bộ do Nhà nước đầu tư, thu tiền nên được gọi là phí sử dụng đường bộ. Sau này khi tư nhân tham gia đầu tư, không còn là dịch vụ công nên “nếu gọi là phí sử dụng đường bộ sẽ trái luật”.
“Dịch vụ đường bộ lúc này trở thành một quan hệ dân sự, không còn là đối tượng của Luật Phí, lệ phí mà chuyển sang Luật Giá. Vì thế, nó được gọi là giá dịch vụ đường bộ, tương tự các dịch vụ khác như giá dịch vụ vận tải, giá dịch vụ du lịch…
"Đổi từ phí dịch vụ đường bộ sang giá dịch vụ đường bộ là đúng, nhưng đổi từ trạm thu phí thành trạm thu giá BOT là máy móc. Thay vào đó, nhà quản lý có thể gọi đó là trạm thu, trạm thu tiền…”, ông Đức bình luận.
Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng, việc đổi tên này có lẽ không chỉ dừng ở "máy móc" cho phù hợp Luật hiện hành mà còn liên quan tới mức phí thu ở BOT sẽ thay đổi.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính cho biết, trước đây khoản phí BOT được điều chỉnh bởi Luật Phí nhưng khi Luật Phí và Lệ phí ban hành năm 2015, có quy định chuyển phí sang Luật Giá. Với sự điều chỉnh đó, khoản thu sử dụng dịch vụ đường bộ được chuyển từ chế độ thu phí sang thu giá. Thẩm quyền quyết định giá tối đa với cao tốc là Bộ Giao thông Vận tải; đường bộ là trung ương hoặc địa phương, tùy theo phạm vi quản lý.
Phí BOT khác gì Giá BOT?
Phí là khoản tiền tổ chức, cá nhân sử dụng đường bộ phải trả cho đơn vị quản lý nhằm bù đắp chi phí và đặc biệt mang tính chất phục vụ mà cơ quan nhà nước giao cho đơn vị cung ứng dịch vụ đó thực hiện.
Theo ông Thỏa, hiện nay có nhiều loại phí nhưng được chia thành 3 nhóm chính. Thứ nhất là khoản nhà nước thu không căn cứ vào chi phí chỉ có cơ quan công quyền mới triển khai (như hộ tịch, chứng minh thư…) và không được xã hội hóa.
Thứ hai là loại phí có thể xã hội hóa, có tính một phần chi phí. Và thứ ba là loại phí dịch vụ công được tính toàn bộ chi phí để bù đắp cho đơn vị cung cấp.
Trong khi đó, Giá được tính toán bảo đảm bù đắp chi phí và có lợi nhuận hợp lý cho nhà đầu tư, phù hợp với chính sách phát triển kinh tế trong từng thời kỳ. Như vậy, bản chất của phí là dịch vụ công, mang tính phục vụ, trong khi giá mang tính thị trường, có cân đối lợi nhuận của nhà đầu tư.
Một chuyên gia đặt câu hỏi, việc chuyển một danh mục khoản thu từ luật này sang luật kia cần đánh giá đã đủ điều kiện cấu thành giá hay chưa, có thuộc nhóm bình ổn giá không. "Nếu BOT là nhóm cần bình ổn thì sẽ khác hẳn. Chưa kể, nếu có áp dụng thu giá với mô hình BOT thì cũng cần làm rõ doanh nghiệp sẽ được thu trong bao lâu, quyền lợi như thế nào", chuyên gia này nói.
Mô hình BOT là dự án Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao nên theo ông Nguyễn Xuân Thành (Đại học FulBright Việt Nam), doanh nghiệp dự án chỉ được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn thì phải chuyển giao cho nhà nước.
“Vì thế, dự án BOT không thuộc sở hữu của doanh nghiệp. Đây là một khái niệm rất thống nhất trên quốc tế và cũng đã được thể chế hóa trong Nghị định về PPP ở Việt Nam”, chuyên gia này cho hay.
Theo ông, tài sản của một dự án BOT giao thông là quyền sử dụng đất, đường trên đất và các công trình, thiết bị trên đường. “Nếu nói dự án BOT giao thông là của doanh nghiệp thì doanh nghiệp sở hữu quyền sử dụng đất để làm đường. Xin hỏi có chủ dự án BOT giao thông nào được cấp sổ đỏ đất giao thông không?”, ông nhấn mạnh.
Theo ông Thành, trong các hình thức đối tác công tư (PPP), thì các dự án BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh) mới có thể coi là của doanh nghiệp xét về khía cạnh sở hữu. Các dự án cơ sở hạ tầng điện, nước có thể được làm theo hình thức PPP và doanh nghiệp dự án sở hữu và được quyền kinh doanh công trình điện hay nước này.
Nguyễn Hà - Hoài Thu