Megalodon là loài cá mập khổng lồ sống cách đây 23 triệu năm và lớn gấp 4 lần cá mập trắng ngày nay. Tuy nhiên, khi cùng tồn tại, hai loài cá mập này nhiều khả năng săn cùng loại con mồi. Sự cạnh tranh này có thể là nguyên nhân cá mập megalodon dài 20 m trở nên tuyệt chủng, theo kết quả nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature Communications ngày 1/6.
Để rút ra kết luận, nhóm nghiên cứu sử dụng một kỹ thuật mới. Họ phân tích dấu vết chế độ ăn trong răng của 13 loài cá mập đã tuyệt chủng và 20 loài cá mập hiện đại để tìm hiểu chúng nằm ở đâu trong chuỗi thức ăn.
"Megalodon thường được mô tả như quái vật cá mập ngoại cỡ trong các bộ phim, nhưng trên thực tế, chúng ta biết rất ít về loài cá mập đã tuyệt chủng này", Kenshu Shimada, giáo sư cổ sinh vật học ở Bảo tàng lịch sử tự nhiên Sternberg tại Kansas, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết. "Nghiên cứu mới của chúng tôi cho thấy chế độ ăn của cá mập trắng đầu thế Thượng Tân rất giống megalodon".
Shimada và cộng sự có thể tìm ra thông tin trên bằng cách xem xét sự tồn tại của những đồng vị khác nhau của nguyên tố kẽm còn lưu lại ở men răng cá mập. Kẽm rất cần thiết đối với tổ chức sinh vật sống, đóng vai trò quan trọng trong phát triển xương. Tỷ lệ đồng vị nặng và nhẹ của kẽm ở răng tiết lộ loại con mồi mà cá mập ăn.
Đồng vị kẽm có thể được sử dụng như một chất chỉ thị sinh thái do tỷ lệ hai đồng vị khác nhau thay đổi dọc theo chuỗi thức ăn, theo đồng tác giả nghiên cứu Michael Griffiths, nhà địa hóa chất kiêm giáo sư ở Khoa khoa học môi trường tại Đại học William Paterson, New Jersey.
Ví dụ, nếu megalodon ăn thịt cá mập trắng, vị trí cao hơn của chúng trong chuỗi thức ăn sẽ được phản ánh ở tỷ lệ đồng vị. Nhưng nghiên cứu phát hiện hai loại cá mập có sự trùng lặp, chứng tỏ chúng săn cùng loài con mồi. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu không loại trừ khả năng megalodon săn cá mập trắng.
Ăn cùng loại con mồi không hẳn thể hiện sự cạnh tranh trực tiếp giữa megalodon và cá mập trắng. Tuy nhiên, ít nhất hai loài chắc chắn có sự trùng lặp về thức ăn. Với kích thước nhỏ hơn, cá mập trắng không đòi hỏi nhiều thức ăn như megalodon. Vì vậy, chúng sẽ có lợi thế cạnh tranh khi săn cùng con mồi, Griffiths cho biết. Theo nhóm nghiên cứu, kỹ thuật sử dụng đồng vị kẽm có thể ứng dụng cho nhiều động vật đã tuyệt chủng khác nhằm tìm hiểu chế độ ăn và sinh thái của chúng.
An Khang (Theo CNN)