Thực vật phù du phát triển bên dưới lớp băng trên biển
Landsat 8, vệ tinh quan sát Trái Đất của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), hôm 5/3 chụp được hình ảnh tảng băng khổng lồ trên biển Ross, Nam Cực nhuốm màu xanh lục, theo Red Orbit.
Theo các nhà khoa học, nguyên nhân gây ra hiện tượng trên là do thực vật phù du bị mắc kẹt trong băng hoặc phủ trên bề mặt băng. Những sinh vật biển nhỏ này còn được gọi là vi tảo, phát triển mạnh ở Nam Cực vào mùa hè.
Hình ảnh của vệ tinh Landsat 8 cho thấy hiện tượng tảo nở hoa (tảo sinh sản với số lượng nhanh trong nước) cũng có thể xảy ra vào mùa thu. Đây là khoảng thời gian băng ở Nam Cực đang hình thành trong năm.
NASA cho biết băng trên biển, gió, ánh sáng, chất dinh dưỡng và kẻ săn mồi đều là yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của thực vật phù du, cũng như số lượng của chúng có đủ lớn để làm thay đổi màu sắc băng Nam Cực hay không.
Các sinh vật phù du là thành phần quan trọng trong mạng lưới thức ăn của hệ sinh thái ở Nam Đại Dương. Chúng là thức ăn của cá và sinh vật biển khác. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn còn nhiều câu hỏi về sự hiện diện của tảo ở xung quanh Nam Cực.
"Nếu tảo mắc kẹt vào băng trên biển và ít nhiều ngừng hoạt động trong mùa đông, vậy chúng sẽ đi đâu sau khi mùa đông kết thúc? Đây là điều bí ẩn", Jan Lieser, nhà nghiên cứu băng biển tại Trung tâm Nghiên cứu Hợp tác về Hệ sinh thái và Khí hậu Nam Cực, Australia, cho biết.
Lê Hùng