BBC đưa tin, Cơ quan nghiên cứu ung thư thế giới (IARC) thuộc WHO hiện xếp ô nhiễm không khí vào cùng nhóm với khói thuốc lá, bức xạ tia cực tím và phóng xạ plutonium. Các nguồn gây ô nhiễm bao gồm khí thải từ ôtô, các nhà máy điện, chất thải nông nghiệp, công nghiệp.
Theo WHO, bằng chứng mới đây nên trở thành thông điệp mạnh mẽ để chính phủ các nước thi hành những biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ môi trường không khí hiện nay.
Theo cơ quan này, trước đây ô nhiễm không khí được biết đến là nguyên nhân gây bệnh tim và phổi, nhưng nghiên cứu mới đây cho thấy nó còn góp phần đáng kể trong việc gây ung thư. Thống kê gần đây nhất có tới 223.000 người tử vong vì ung thư phổi mỗi năm ở khắp nơi trên thế giới do ô nhiễm không khí gây ra. Trong đó, hơn một nửa các trường hợp tử vong được cho là ở Trung Quốc và các nước Đông Á khác. Quá trình công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng tạo nên các thành phố đầy khói bụi điển hình như Bắc Kinh.
Vấn đề này đang được dấy lên một lần nữa tại châu Âu sau khi các dữ liệu cho thấy tồn tại mối liên hệ giữa ung thư bàng quang với ô nhiễm không khí trong môi trường sống.
Theo Tiến sĩ Kurt Straif từ IARC, không khí mà chúng ta hít thở hàng ngày đang ngày một ô nhiễm với hỗn hợp các chất có khả năng gây ung thư. Giờ đây, người chúng ta biết rằng sự ô nhiễm đó không chỉ là nguy cơ lớn đối với sức khỏe nói chung mà còn là nguyên nhân hàng đầu gây ra các cái chết vì ung thư.
Tiến sĩ Rachel Thompson, từ quỹ nghiên cứu ung thư quốc tế nhấn mạnh: “Bằng chứng này xác nhận một lần nữa rằng các chính phủ, các nền công nghiệp, các công ty đa quốc gia cần nhanh chóng hướng sự chú ý tới những tác nhân môi trường gây ung thư. Tuy nhiên, bản thân mỗi người cũng có thể làm nhiều điều để tự mình giảm thiểu khả năng phát triển bệnh như vận động nhiều hơn và tuân theo một chế độ ăn uống có lợi cho sức khỏe”.
Lê Phương