Là một người chơi cá cảnh có thâm niên nhưng phải đến tháng 2, Vi Dũng (23 tuổi, ở Lào Cai) mới biết đến cua cảnh sau một lần tình cờ đọc về chúng trên mạng xã hội. Anh quyết định đặt mua hai con cỡ đại (chiều dài mai 7 cm) màu đỏ và vàng, giá 350.000 đồng một con về thả chung với bể cá.
Dũng cho biết giống cua anh mua có tên Hainan potamon rubrum (loại cua nước ngọt trong họ cua núi), có thể tìm thấy trong tự nhiên ở các nước Đông Dương, nhưng rất hiếm người bắt được vì chúng sống sâu trong hốc đá sông, suối. Loại cua này vô hại, khi thuần hóa có thể nuôi bán cạn hoặc thả trong bể cá cảnh, giá dao động từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng mỗi con, tùy kích cỡ và màu sắc.
"Tôi thích tìm mua những con vật lạ, kích cỡ khủng. Chưa kể màu sắc sặc sỡ của chúng khiến bể cá nổi bật và sinh động hơn", Dũng nói.
Sợ khó nuôi, anh hỏi kỹ người bán về cách chăm sóc, môi trường sống và chế độ dinh dưỡng và được biết, chúng chỉ cần cho ăn đúng bữa, cung cấp đủ oxy. "Tôi không nghĩ nuôi dễ như thế nên mua thêm bốn con nữa. Chỉ cần thả trong bể có bộ lọc oxy, đến bữa cho ăn tép, giun hoặc cá con, không sợ cua tấn công cá", anh kể.
Thấy giống cua lạ, vài người bạn chơi chung với Dũng cũng hỏi chỗ mua về chơi. Người làm bể bán cạn nuôi riêng, người thả chung với cá.
Chị Thanh Tuyền, 24 tuổi, ở Cần Thơ cũng đặt mua 6 con cua đủ màu sắc, kích cỡ mai từ 3 cm đến 5 cm qua mạng, tổng gần một triệu đồng để thả vào bể cá, hồi tháng 5. "Điều tôi lo nhất là quãng đường di chuyển xa, cua có thể chết hoặc rụng chân. Nhưng rất may cả 6 con đến tay đều đẹp", Tuyền nói.
Từ đầu năm đến nay, số người chơi cua cảnh như Dũng, Tuyền tăng vọt. Anh Hà Xuân Lộc, 34 tuổi, chủ chuỗi cửa hàng cung cấp cua cảnh tại Hà Nội, Đà Lạt và TP HCM cho biết một trong những lý do khiến ngày càng nhiều người chơi cua cảnh là giá thành rẻ, con vật khỏe, dễ chăm sóc và không hay mắc bệnh, người ít kinh nghiệm vẫn có thể nuôi.
"Thú chơi này xuất hiện trên thế giới từ những năm 2010, phổ biến nhất ở Thái Lan, Trung Quốc. Đặc biệt là thị trường Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ cua kiểng lớn, nguồn cung không đủ bán", anh Lộc cho biết.
Năm 2016, anh bắt đầu thử nhân giống nhánh cua Hainan potamon. Thời gian đầu chưa có kỹ thuật, phương pháp, toàn bộ cua giống đều chết. Sau hai năm nghiên cứu, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia nghiên cứu về cua nước ngọt trong nước và một người thầy ở Thái Lan, những cá thể cua đầu tiên được anh Lộc nhân giống thành công, phát triển khỏe mạnh.
"Khi đó tôi mang cua đi chào hàng ở các cửa tiệm bán cá cảnh nhưng không ai hứng thú. Mọi sự quan tâm tập trung vào cá rồng, cá La Hán, tép cảnh, các loài bò sát và chó mèo nhập ngoại", anh nói. Toàn bộ số cua được anh nhân giống tại trang trại ở Sơn La gồm đỏ, vàng, xanh lục và xanh lam, kích cỡ 5-6 cm, đều xuất sang nước ngoài.
Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng anh Lộc bán gần 2.000 con cho khách hàng trên khắp cả nước. Đa phần khách mua dưới 40 tuổi. Nhiều khi Lộc không đủ hàng để bán vì chưa đến đợt cua sinh sản.
Cua cảnh cung cấp ra thị trường thường có nguồn gốc từ Đông Dương, được thuần hóa, thích nghi với với thời tiết, độ ẩm ở Việt Nam, ít bị bệnh. Tuổi thọ trung bình từ 2-3 năm cho đến cả chục năm nếu biết cách chăm sóc. Theo người trong nghề, đây có thể là một trong những lý do khiến xu hướng nuôi cua cảnh trở nên phổ biến.
Với sự phát triển của mạng xã hội, người dùng dễ dàng tìm địa chỉ bán cua bằng các từ khóa "cua kiểng", "cua cảnh". "Nhưng người chơi cần thận trọng với cua cảnh giá rẻ bởi chúng mới được bắt từ tự nhiên, chưa thuần hóa, không quen môi trường sống trong bể, rất dễ chết", anh Lộc cảnh báo và khuyên người mới nếu có nhu cầu nuôi cua phải tìm các đơn vị tư vấn uy tín để được tư vấn, hỗ trợ. Với anh, một con cua đạt chuẩn phải có màu sắc rõ nét, thân không vết xước, đủ chân, càng.
Trường Anh, 20 tuổi, ở Hà Nội từng mua 10 con cua cảnh, giá 200.000 đồng về nuôi vì rẻ, trong khi các nơi khác đều bán mắc hơn 100.000 đồng mỗi con. Nhưng cua giao tới còi cọc, yếu ớt, màu sắc trên mai nhạt nhòa không giống ảnh. Trong quá trình chăm sóc chúng không ăn, liên tục đánh nhau và tự bẻ càng. Chỉ sau 5 ngày, toàn bộ số cua mua về đều chết.
Với chị Tuyền, sau khi nuôi 6 con cua cảnh, chị dự định đặt mua thêm vài con khác có màu sắc độc lạ hơn. "Nuôi cua cảnh nghiện như nuôi cá, khi có một lại muốn nhiều hơn. Không chỉ tôi, nhiều bạn bè cũng thích và nuôi theo", Tuyền nói.
Quỳnh Nguyễn